Người “thay áo mới” cho đơn vị

Tháng 3/2020, anh Võ Minh Thụy được bổ nhiệm Viện trưởng VKSND huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Chia tay VKSND huyện Sông Hinh, nơi bạt ngàn nắng gió của vùng cao nguyên để đến một đô thị nhộn nhịp đang vươn mình, thay da đổi thịt trở thành “thị xã”.

Muốn “lạc nghiệp” thì phải “an cư” trước. Ngay tuần công tác đầu tiên tại đơn vị mới, anh đã tổ chức họp cơ quan, phát lệnh tổng vệ sinh, chỉnh trang cơ quan, đảm bảo trụ sở luôn xanh – sạch – đẹp. “Nói là làm”, trong cái nắng gay gắt, anh đã thay đồ lao động, cầm rựa phát quang đám cỏ ở khu nhà sau cơ quan, chặt những cành ổi đã già, không còn ra trái, cắt bỏ những cành phượng vươn ra phía cổng. Chúng tôi  cũng cùng anh dọn dẹp các bụi rậm, gỡ bỏ những dây leo trên các cây mãng cầu đang đầy những quả nở gai,…Sau một buổi lao động vất vả, khuôn viên cơ quan trở nên sạch đẹp, như được “thay áo mới”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Võ Minh Thụy, Viện trưởng VKSND thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. 

Nhận thấy khuôn viên cơ quan vẫn còn nhiều khoảnh đất trống, để vừa có bóng mát, vừa có “hoa thơm, quả ngọt”, anh đã đi tìm các cây hoa điệp vàng về trồng cạnh  cửa sổ nhà ăn cơ quan và phòng trực nghiệp vụ. Anh cũng tìm mua cây bưởi, cây mít, cây xoài,... mỗi cây trồng một góc vườn. Tôi thắc mắc: “Anh trồng cây lâu năm vậy, đợi khi có quả thì anh đã đủ “nhiệm kỳ”, chắc là không được ăn rồi”. Anh cười: “Chú sao nghĩ “ngắn ngày” thế. Bác chẳng phải đã dạy chúng ta: “Vì lợi ích mười năm trồng cây” đấy sao ? Cây có trái, anh không ăn được thì chú ăn, chú không ăn được thì anh em khác ăn. Bóng cây thì để lọc cho trời mát mẻ, ngày nghỉ và các buổi tối trực nghiệp vụ có thể ngồi mà đọc sách, thư giãn, lợi đủ đường chú à.” Quả đúng, việc học và làm theo Bác từ việc làm nhỏ mà lợi ích lớn, tưởng dễ thế thôi mà không phả ai cũng làm được.

Rồi anh lại đi khắp các góc của cơ quan, thấy cây sung có bóng mát kề vách nhà xe có thể nuôi gà được, anh đề xuất cùng anh em nuôi thả vườn hơn 20 còn gà khu sau nhà xe. Sau mỗi bữa ăn trưa, anh dặn anh em, thức ăn thừa để tránh lãng phí thì mang ra cho gà ăn. Vậy là, cơ quan tôi là đơn vị “cùng làm, cùng ăn” theo đúng nghĩa của nó. 

Từ ngày anh tiếp nhận công tác tại đơn vị, cơ quan chúng tôi có thêm nhiều cái mới. Từ anh bảo vệ, chị văn thư, em lái xe đến các Kiểm sát viên bận rộn cũng đều dành thời gian cho ngày cuối cùng hàng tháng để tổng vệ sinh cơ quan. Lịch quét dọn, tưới cây, chăm gà đi kèm theo “lịch trực nghiệp vụ cơ quan”, vừa rõ ràng, cụ thể vừa phân công đều cho mỗi người “không quên nhiệm vụ”.

Người lãnh đạo mang cái “tâm” của người anh cả

Cơ quan cách nhà anh hơn 60 km. Bài học mà chúng tôi học được ở anh là trách nhiệm với gia đình. Chỉ trừ những ngày họp ở trên tỉnh hoặc đột xuất không về được, còn lại thì cứ hết giờ làm việc, anh lại về nhà với vợ con. Chúng tôi quan tâm hỏi: “Nhà xa quá, anh ở lại cuối tuần về cũng được mà, các cháu đã lớn học cấp 2, đại học rồi”. Anh tâm sự: “Anh không thể để vợ con mình trên đó, còn mình dưới này được. Chúng ta không có một gia đình hạnh phúc thì không thể xử án hôn nhân gia đình, án thừa kế cho trọn vẹn được, mình sống tốt mới “phán xử” người khác được”.

Tại cơ quan, chúng tôi thường ở lại ăn trưa tại nhà ăn với anh. Dù là Viện trưởng nhưng tới giờ ăn, anh xuống sớm để dọn cơm, vui vẻ ăn cùng mọi người. Anh xới cho anh em từng bát cơm, vừa ăn vừa tâm sự như thể “anh em một nhà”. Những khi có án xảy ra, chúng tôi phải đi kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, anh đều dặn kỹ “nhớ để phần cơm cho đồng chí đó, khi về còn có mà ăn”.  Những bát cơm muộn chưa bao giờ ngon đến thế. Vì nó được chính “anh cả” để lại, chan đầy bằng sự yêu thương, quan tâm đối với các em của mình. Những ngày anh về nhà, có mấy quả mít chín Sông Hinh, cam ngọt đất núi, anh mang xuống chia cho anh em mỗi người một ít thưởng thức cùng nhau. Ngọt ngào không chỉ đến từ quả, mà còn đến từ bàn tay của người cho quả.

Có thể nói, chưa có ngày 8/3 nào vui như trong năm 2020. Anh chia sẻ chân tình cùng anh em cơ quan, tổ chức một buổi gặp mặt thân mật, mời tất cả vợ, chồng, dâu rể, con cái của mọi cán bộ, nhân viên trong cơ quan để hiểu nhau hơn khi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Đại gia đình VKSND thị xã Đông Hòa đã có một bữa cơm thân mật như thế. 

Đối với chúng tôi, “mỗi ngày đi làm là một ngày vui”. Khi công việc bận rộn, chính anh là người phân công, chia sẻ với các đồng nghiệp để bảo đảm ai cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Mỗi khi chúng tôi có việc nhà hay công việc đột xuất, khi báo cáo, anh đều đồng ý và hỏi kỹ hướng giải quyết sao cho ổn thỏa, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của mình, người “đi trước” để anh em học hỏi, vận dụng vào công việc, cuộc sống hàng ngày hài hòa, hợp lý. Chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, trách nhiệm của anh qua từng bữa cơm trưa, từng đơn xin nghỉ phép, từng đề xuất của cá nhân,…

leftcenterrightdel
Đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh và đồng chí Võ Minh Thụy cùng tập thể VKSND thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. 

Người thuyền trưởng vững vàng nơi “đầu sóng ngọn gió”

Anh về nhận nhiệm vụ khi đơn vị tồn đọng một khối lượng lớn công việc cần giải quyết gấp. Với lượng án hình sự hàng năm gần 100 vụ, 200 bị cáo, gần 1.000 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình,…nhiều gấp 5 lần đơn vị cũ nên đòi hỏi anh phải có sự quản lý, chỉ đạo, điều hành vừa nhanh chóng, kịp thời, vừa đảm bảo chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Với anh, điều quan trọng nhất tại thời điểm “giao thoa” này là sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp cấp huyện. Anh đã chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Chánh án Tòa án nhân dân, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự để thuận tiện trong quá trình công tác. Các vụ án hình sự được dư luận quan tâm, án có nhiều bị can, bị cáo, án về tội Đánh bạc, án còn nhiều quan điểm giải quyết khác nhau, anh đều chủ động lên lịch, mời họp liên ngành để bàn thống nhất hướng giải quyết. Từ tháng 3 đến tháng 9/2020, Viện kiểm sát đã chủ động và tham gia gần 10 cuộc họp liên ngành để kịp thời giải quyết các vụ án hình sự phức tạp, nhiều quan điểm giải quyết khác nhau, đảm bảo đúng thời hạn.

Anh luôn tâm niệm “có sếp giỏi” là nhờ “có lính giỏi”. Vì vậy, sau mỗi giờ đọc báo buổi sáng, anh đều phổ biến, quán triệt  đến tất cả Kiểm sát viên những văn bản pháp luật mới, các Chỉ thị, Thông tư, Nghị quyết mới cần được áp dụng, nhất là các thông báo rút kinh nghiệm của VKS cấp trên để Kiểm sát viên cập nhật, vận dụng xử lý khi giải quyết án; anh luôn yêu cầu các Kiểm sát viên kịp thời báo cáo những vướng mắc để trực tiếp nghiên cứu, cho ý kiến. 

Đặc biệt, anh chú trọng việc “thông khâu”, nghĩa là Kiểm sát viên phải trải qua hầu hết các công tác của ngành Kiểm sát để  bảo đảm khi chuyển qua bộ phận khác đều đảm nhận được, tiếp cận nhanh. Bên cạnh đó, quá trình “thông khâu” của các Kiểm sát viên, chính anh theo dõi, đánh giá ưu, nhược, “sở trường”, “sở đoản” của từng đồng chí để phân công nhiệm vụ phù hợp, giải quyết hiệu quả công việc cơ quan. Để bảo đảm Kiểm sát viên “tinh thông về nghiệp vụ”, anh còn sáng tạo các hình thức “vừa học, vừa làm”, khơi nguồn cảm hứng, ý chí học tập, nghiên cứu của Kiểm sát viên, như: Đưa ra tình huống để Kiểm sát viên giải quyết, đố vui có thưởng về pháp luật. Hiệu quả đem lại từ những cách làm của anh chính là sự “giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật” của từng Kiểm sát viên trong quá trình công tác. 

Trong công việc, anh quan niệm phải đặt tinh thần trách nhiệm lên hàng đầu và anh phải gương mẫu thực hiện để anh em noi theo. Bất cứ tin báo hình sự nào, trường hợp đi kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khi trực nghiệp vụ, anh đều yêu cầu anh em gọi điện trực tiếp, bất kể giờ giấc. Anh nghiêm khắc chấn chỉnh khi Kiểm sát viên thiếu trách nhiệm đối với công việc. Còn nhớ trong vụ án Hà Hải Long và đồng phạm phạm tội Cố ý gây thương tích, bị can bị tạm giữ mà đến tối thứ 6 (20/3/2020) hết thời hạn tạm giữ phải gia hạn, anh đã đi 60km bằng “xe chở hàng” xuống cơ quan để ký quyết định gia hạn tạm giữ đối với bị can Long. Hay là có lần đi dự Hội nghị trên VKS tỉnh về, anh suy nghĩ, trăn trở tới mức….bỏ cơm trưa khi đơn vị xảy ra 1 vụ án hình sự bị hủy để điều tra, xét xử lại, dù biết đó là án cũ lúc anh chưa đến nhận nhiệm vụ. Ngày 01/6/2020, Đông Hòa thành thị xã, điều anh trăn trở chính là mặt trái của xã hội, sự cám dỗ của đồng tiền nên anh luôn căn dặn Kiểm sát viên không được có tư tưởng vòi vĩnh, nhũng nhiễu hoặc nhận tiền “chạy án”. Với anh, đó là điều “tối kỵ”, cần loại bỏ ngay lập tức.

Là lãnh đạo, anh luôn nêu cao tinh thần tập trung, dân chủ và nguyên tắc tập trung lãnh đạo toàn đơn vị. Khi phân công trực nghiệp vụ, Kiểm sát viên nào kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi thì sẽ phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án đó cho đến kết quả cuối cùng. Khi có khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án,… anh đều cho tập hợp tất cả các Kiểm sát viên trong đơn vị, yêu cầu mỗi Kiểm sát viên đều phát biểu ý kiến. Sau đó thì tập thể biểu quyết kết quả. Cuối cùng, anh là người quyết định dựa trên kết quả biểu quyết của đơn vị. Khi đã phân công Phó Viện trưởng phụ trách bộ phận, anh yêu cầu mỗi Phó Viện trưởng báo cáo kết quả công việc được giao phụ trách và phải chịu trách nhiệm. Với cách lãnh đạo ấy, công việc cơ quan được xử lý vừa nhanh chóng, vừa hiệu quả.

Chúng tôi tin tưởng rằng, những trăn trở, tâm huyết của anh sẽ có “quả ngọt” ở cuối mùa. Giờ đây, tôi đã được điều động đến đơn vị mới, nhưng những lời dặn của anh đối với tôi mãi mãi là hành trang để răn mình trên hành trình kiểm sát vừa vất vả, vừa vẻ vang: “Em dù có đi đâu, ở đơn vị nào, làm án gì đi chăng nữa, hãy nhớ em mãi là “lính” của anh, không được để ai phàn nàn gì về em, một Kiểm sát viên do chính anh đào tạo, rèn luyện!”.

Dương Đức