Quên thân vì đất nước

Sinh ra ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) – vùng đất giàu truyền thống cách mạng kiên cường, ông Lâm Sanh Lại (tên thật là Lâm Ngọc Châu, SN 1943, hiện trú tại xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) chứng kiến không ít cảnh tượng người dân đã ngã xuống dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Chính vì thế, ngay từ nhỏ đã nhen nhóm trong ông một ngọn lửa đánh đuổi quân xâm lược đến cùng, để mang lại sự bình yên cho người dân. 

leftcenterrightdel
Ông Lại (người cầm súng) tập luyện bắn máy bay địch (ảnh nhân vật cung cấp). 

Năm 12 tuổi, ông Lại cùng gia đình di dân vào vùng đất mới tại xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) do mưu đồ chia rẽ của chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập các dinh điền hòng “giam lỏng” người dân, không cho dân vào rừng liên lạc với quân cách mạng. Nhưng với lòng yêu nước và căm thù giặc, ông Lại và người thân trong gia đình vẫn tìm mọi cách tham gia du kích tại địa phương. Đến tháng 5/1966, ông Lại được cử đi đào tạo y sĩ tại Phú Yên để về chăm sóc, phục vụ người dân và bộ đội vùng căn cứ.

Sau khi kết thúc chương trình học y sĩ, năm 1968 ông Lại được phân công về làm Bí thư Chi bộ, Chính trị viên xã đội, Chỉ huy Đoàn Du kích xã Khuê Ngọc Điền. Ông Lại cho hay, từ năm 1965, khu căn cứ H9 (huyện Krông Bông) mà đặc biệt là Khuê Ngọc Điền trở thành mục tiêu đánh phá quyết liệt của Mỹ - ngụy. Không ít cuộc hành quân càn quét và máy bay ném bom hủy diệt tại xã Khuê Ngọc Điền nói riêng và huyện Krông Bông nói chung. 

Nói đến nỗi mất mát của dân và quân cách mạng tại địa phương lúc đó, ông Lại không giấu được cảm xúc: “Không thể kể được, lúc đó chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Từ năm 1970-1973, tại xã Khuê Ngọc Điền phải chứa đựng hàng tấn bom đạn của quân thù. Nên rất nhiều người dân và lực lượng quân cách mạng đã ngã xuống”. Trước cảnh tượng đau thương đó, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng du kích xã phối hợp với bộ đội Trường Sơn tổ chức đánh địch đi càn và tập luyện bắn máy bay địch bằng súng bộ binh.

Theo đó, đội du kích xã Khuê Ngọc Điền do ông Lại phụ trách được giao nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, cung cấp lương thực, chiến đấu để bảo vệ khu căn cứ H9. Trong quá trình đấu tranh bảo vệ căn cứ, lực lượng dân quân du kích xã Khuê Ngọc Điền đã tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - ngụy; bắn rơi 6 máy bay, thu và phá hủy 9 xe quân sự, đánh sập 2 cầu… Để khích lệ tinh thần đấu tranh anh dũng, không quản ngại hy sinh của lực lượng dân quân du kích, sau đó Bộ Tư lệnh mặt trận B3 đã tặng cờ luân lưu cho xã Khuê Ngọc Điền (vì đây là đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất).

Không chỉ vậy, với phương châm “tìm địch mà đánh”, từ năm 1969-1973, đội du kích của xã Khuê Ngọc Điền do ông Lại chỉ huy còn tổ chức phục kích đánh địch ở nhiều địa điểm, tiêu diệt được nhiều tên địch và đánh sập một lô cốt của địch.

Với tinh thần chiến đấu anh dũng ấy, cuối tháng 12/1973, dân quân du kích xã Khuê Ngọc Điền và nhân dân xã vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và “Huân chương Chiến công hạng Nhất” của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng. Theo ông Lại, xuất phát từ tinh thần đấu tranh gan dạ, không quản ngại hiểm nguy của lực lượng du kích xã Khuê Ngọc Điền như nói trên nên kể từ năm 1973, máy bay địch không dám trinh sát tầm thấp trên địa bàn khu căn cứ H9. Đến đầu tháng 3/1975, lực lượng vũ trang H9 và du kích xã bắt đầu triển khai những hoạt động phối hợp đánh địch vùng giáp ranh, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần vào chiến thắng giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975.

Sáng gương Bộ đội Cụ Hồ

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Lại được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Đến năm 1978, ông trở về làm Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền. Ông Lại cho biết, thời điểm này, lực lượng Fulro không ngừng lén lút hoạt động chống phá cách mạng. Theo đó, lực lượng Fulro tìm mọi cách len lỏi, truyền bá tư tưởng chống phá cách mạng vào các buôn làng, đặc biệt là các buôn đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ám sát cán bộ, gây khó khăn trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở vùng mới giải phóng. 

leftcenterrightdel
 Dù đã nghỉ hưu nhưng ông Lại vẫn tham gia nhiều hoạt động tại địa phương.
Tuy nhiên, bằng sự khéo léo của mình, ông Lại đã chỉ huy lực lượng du kích liên tục tổ chức tuần tra, vây bắt lực lượng Fulro trên núi. Đồng thời, ông còn cùng với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được âm mưu của lực lượng Fulro. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, âm mưu chống phá của Fulro tại xã Khuê Ngọc Điền đã bị phá tan.

Từ sau tháng 9/1981, ông Lại được điều động giữ nhiều chức vụ ở xã, ở huyện cho đến ngày về hưu. Sống bằng lương hưu, nhưng ông và gia đình với tinh thần tương thân tương ái, luôn sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần cho những trường hợp khó khăn, gặp hoạn nạn... 

Cứ thế, nhắc đến ông Lại, người dân địa phương luôn nghĩ đến hình ảnh một người lính giữa đời thường, thân thiện, gần gũi, hết lòng vì người dân. Với những đóng góp to lớn ấy, ông Lại được Nhà nước đã tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Vào năm 2017, ông được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Ghi nhận những đóng góp của ông Lại, ông Lê Hùng Phi – Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông cho biết: sau khi nghỉ hưu, địa phương tiếp tục vận động ông quay trở lại giữ chức Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong của xã Khuê Ngọc Điền cho đến năm 2019 ông xin nghỉ vì lý do tuổi cao, sức yếu. Với hoàn cảnh hiện nay, lẽ ra ông đã dành dụm đồng lương của mình để an dưỡng tuổi già và lo cho vợ con. Thế nhưng, ông vẫn cố gắng đóng góp một phần lương của mình để hỗ trợ cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi gặp hoạn nạn. Với những việc làm đó, ông Lâm Sanh Lại xứng đáng là tấm gương Bộ đội Cụ Hồ để cho lớp trẻ  học tập, noi theo.

Nguyễn Chính