*  "Tác nghiệp" nơi "vùng đất nóng"

Anh Trịnh Ngọc Minh hiện là Trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh- ma túy. Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia xuất ngũ về công tác tại Viện KSND tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Điện Biên đến nay. Ban đầu mới vào Ngành còn bỡ ngỡ, chưa am hiểu gì về chức năng nhiệm vụ công tác của ngành KSND. Sau một thời gian công tác, vừa tự nghiên cứu các tài liệu và được sự hướng dẫn chỉ bảo học hỏi của các Kiểm sát viên, các đồng chí, đồng nghiệp đi trước và được lãnh đạo viện cử đi học các lớp các khóa đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm sát, cũng như qua thực tế công việc được phân công trong công tác, anh mới thấu hiểu về chức trách nhiệm vụ của ngành KSND. Càng hiểu anh càng thêm yêu Ngành, yêu nghề và luôn có ý thức rèn luyện và phấn đấu trong công tác, không ngại khó ngại khổ, chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước...

Trải qua nhiều đơn vị và lĩnh vực công tác trong ngành Kiểm sát nhưng công tác anh đã làm lâu và gắn bó nhất là giải quyết án ma túy (từ năm 1998), “Đây cũng là khâu công tác tôi phát huy được năng lực của bản thân nên đạt kết quả công tác tốt, nhiều  năm  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua Ngành và được tặng nhiều Bằng khen của VKSND tối cao”- anh Trịnh Ngọc Minh tâm sự.

leftcenterrightdel
KSV Trịnh Ngọc Minh, Trưởng phòng 1, VKSND tỉnh Điện Biên 

Song đây cũng là lĩnh vực khó bởi để giải quyết án ma túy “đúng người, đúng tội” trước hết cần nắm vững các quy định của pháp luật, trong đó đặc biệt quan trọng là phần các tội phạm về ma túy trong Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn xử lý tội phạm về ma túy theo từng thời điểm... Hơn nữa, quán triệt phương châm “chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm”, cho nên người kiểm sát viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm xem xét thật sự khách quan, công tâm đối với từng vụ án và từng bị can cụ thể; đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ bao gồm cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội để có kết luận cuối cùng được chính xác.

Với hơn 20 năm “làm án” ma túy, lại công tác trên địa bàn có số vụ án về ma túy phức tạp được mệnh danh là "vùng đất nóng" với nhiều vụ thuộc “top” đầu cả nước trong khi các đối tượng chủ yếu là người dân tộc, vùng sâu vùng xa, anh Minh chia sẻ, hầu hết các vụ án ma túy được phát hiện qua hình thức bắt quả tang. Do vậy, cũng cần phải chú ý việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, vì đây là chứng cứ, tài liệu điều tra ban đầu rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án, người chứng kiến việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang phải là người có năng lực hành vi và phải ghi rõ lai lịch của họ để phục vụ cho việc lấy lời khai trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo…

Đặc biệt, đối với những vụ án ma túy lớn, việc bắt, khám xét phải được KSV phối hợp tốt với ĐTV, trường hợp nào đủ căn cứ bắt khẩn cấp thì phải tiến hành bắt để ngăn chặn việc đối tượng bỏ trốn, tẩu tán vật chứng gây khó khăn cho công tác điều tra. Đối với những vụ án số lượng ma túy ít, cần nhanh chóng cân xác định trọng lượng để làm căn cứ khởi tố.

leftcenterrightdel
KSV Trịnh Ngọc Minh tham gia lấy lời khai đối tượng phạm tội ma túy. 

Ngoài ra, người KSV cũng phải có kỹ năng đề ra yêu cầu điều tra. Anh Minh cho hay, trong thực tế, có nhiều vụ án đối tượng thực chất phạm tội về ma túy nhưng trong quá trình điều tra lại nhận một tội khác nhẹ hơn như: Không tố giác tội phạm hoặc che dấu tội phạm, do đó KSV cần yêu cầu Cơ quan điều tra khẩn trương khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng về tội đó để điều tra làm rõ tội phạm ma túy. Sau khi phê chuẩn các lệnh, quyết định, KSV phải đề ra các nội dung để yêu cầu ĐTV củng cố chứng cứ và điều tra mở rộng vụ án. Phạm vi yêu cầu điều tra được thực hiện từ khi khởi tố vụ án hình sự đến khi kết thúc điều tra vụ án…

Đối với những vụ án phức tạp về chứng cứ, tội danh hoặc có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau thì KSV đề ra yêu cầu điều tra để củng cố chứng cứ buộc tội các bị can hoặc để làm rõ các tình tiết xác định đúng tội danh, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội; khởi tố bổ sung tội danh; khắc phục thiếu sót, tồn tại về thủ tục tố tụng để việc lập hồ sơ đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Không những vậy, KSV phải xác định được những vấn đề chưa rõ, còn thiếu hoặc có mâu thuẫn để yêu cầu ĐTV tiến hành điều tra, thu thập, củng cố chứng cứ và hoàn thiện thủ tục tố tụng bảo đảm cho việc xử lý vụ án. Các nội dung đề ra phải rõ ràng, cụ thể và dễ thực hiện, không nêu chung chung hoặc nêu không rõ ý.

Bên cạnh đó, để giải quyết tốt các vụ án ma túy, nhất là những vụ án có truy xét, đòi hỏi người KSV cần có kinh nghiệm và kỹ năng trong việc hỏi cung bị can, như: chú ý đến các mâu thuẫn trong lời khai của các đối tượng trong cùng một vụ án khai về một lần phạm tội cụ thể để chúng ta đấu tranh với từng đối tượng, nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Khi các bị can thành khẩn khai nhận tội chúng ta không nên vội thỏa mãn mà phải tranh thủ  hỏi cung bị can, KSV phải chuẩn bị đề cương xét hỏi, cần hỏi chi tiết lại đối với từng hành vi phạm tội… Nếu bị can biết chữ thì cho vẽ sơ đồ mô tả chi tiết địa điểm giao nhận ma túy... để làm căn cứ cho việc đấu tranh với các bị can ngoan cố không chịu khai nhận hành vi phạm tội.

* Làm KSV phải hiểu phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý từng dân tộc

“Tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ yếu là người dân tộc thiểu số (Mông, Thái) thực hiện. Do vậy để việc lấy lời khai, hỏi cung bị can đạt kết quả tốt thì một vấn về không kém phần quan trọng là phải nắm được phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý của từng dân tộc”- anh Minh cho hay.

"Người Mông thường có tính thật thà, nhưng tính tự ái rất cao nên khi làm việc cần hết sức tránh gây cho họ tự ái. Ví dụ: trong một vụ án mua bán trái phép chất ma túy, có một đối tượng bị bắt khẩn cấp, khi ĐTV hỏi đối tượng đã thực hiện việc mua bán ma túy như thế nào thì đối tượng kiên quyết không nhận có mua bán ma túy và nói rằng nhà nghèo lắm làm gì có tiền mà mua bán ma túy, khi đó KSV thay đổi câu hỏi và hỏi đối tượng có mua hộ ma túy cho ai không, được trả công như thế nào thì đối tượng khai ra toàn bộ hành vi mua ma túy và giao lại cho đối tượng khác để được trả công hoàn toàn phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác đã thu thập được" - anh Minh chia sẻ thêm.

leftcenterrightdel
KSV Trịnh Ngọc Minh đúc kết: "Tác nghiệp" ở miền núi phải hiểu phong tục tập quán". Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, theo anh Trịnh Ngọc Minh, quá trình giải quyết các vụ án về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn có không ít khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi người KSV phải nỗ lực rất nhiều như: Đối với các vụ án có bị can là người nước ngoài thì một số tài liệu cần thực hiện qua yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, trong khi pháp luật Việt Nam và các hiệp định tương trợ tư pháp nước ta đã ký kết chưa quy định thời hạn thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, vì vậy yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự thường rất lâu mới có kết quả (cá biệt 1 số trường hợp không có kết quả) mà không có biện pháp khắc phục, do đó ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án. Khó khăn trong việc trưng cầu phiên dịch đối với các đối tượng phạm tội là dân tộc thiểu số của nước ngoài, khi các đối tượng này không hiểu tiếng phổ thông của nước họ.

Đặc biệt, Điện Biên tỉnh miền núi biên giới, địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn, các đối tượng phạm tội ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt hơn, dùng mọi biện pháp, mọi thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, thậm chí nhiều đối tượng còn hết sức manh động sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả lại lực lượng bắt giữ. Nhiều đường dây mua bán trái phép chất ma tuý lớn thường hoạt động một cách khép kín theo dòng họ, gia đình, chúng phân công theo từng mắt xích cụ thể, việc thâm nhập vào các đường dây này để phá án là hết sức khó khăn, hoặc khi trường hợp một đối tượng trong đường dây bị phát hiện là các đối tượng còn lại bỏ trốn khỏi địa phương ngay.

Không những vậy, nhiều vụ án ma tuý lớn xuyên quốc gia, nhiều đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau tham gia, nên việc điều tra xác minh để giải quyết triệt để vụ án gặp rất nhiều khó khăn…Trong khi đó, các cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý lực lượng còn mỏng, kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu, các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn thiếu…

Chính vì vậy, bản thân anh cũng như những đồng nghiệp đều phải nỗ lực cố gắng, kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm này, bởi đó không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ được giao mà quan trọng hơn là bảo vệ bình yên cho người dân nơi mảnh đất Điện Biên lịch sử, giúp người dân thoát khỏi những hiểm họa chết người từ ma túy.

Thanh Dịu