leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Nguyễn Phước Vinh (đứng giữa) cùng tập thể Phòng 3 VKSND tỉnh Đồng Nai họp giải quyết vụ đại án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng.

Người chúng tôi nhắc đến chính là Kiểm sát viên (KSV) Nguyễn Phước Vinh, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế - chức vụ (Phòng 3) - VKSND tỉnh Đồng Nai. Anh là Kiểm sát viên trực tiếp tham gia từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử sơ thẩm đại án buôn lậu liên tỉnh gần 198 triệu lít xăng (giai đoạn 1 chuyên án 920G), với 74 bị can bị truy tố về 2 tội “Buôn lậu” và “Nhận hối lộ”, gây xôn xao dư luận cả nước thời gian qua. 

Trong vụ án nói trên, từ tháng 3/2020 đến 2/2021, “ông trùm” Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), Nguyễn Hữu Tứ (Chủ DNTN Sơn Huỳnh) đã tổ chức vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng gần 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỉ đồng từ Singapore về Việt Nam để tiêu thụ, thu lợi hàng trăm tỉ đồng.

Liên quan đến vụ án, Ngô Văn Thụy (cán bộ chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan) bị cáo buộc đã nhận hối lộ của Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh và Phan Thanh Hữu hơn 830 triệu đồng để bỏ qua hành vi phạm tội của các đối tượng…

Kể về đại án buôn lậu xăng dầu bị triệt phá, KSV Nguyễn Phước Vinh nhớ rõ, ngày 8/2/2021, tức 27 tháng Chạp, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đồng loạt khám xét các điểm tập kết xăng dầu nhập lậu trên địa bàn, bắt giữ 35 đối tượng. Từ khi vụ án bắt đầu cho đến mùng 6 Tết Nguyên đán Tân Sửu, thời điểm nhà nhà đang vui đón Tết cổ truyền, lực lượng Phòng 3 vốn chỉ có 5 KSV (trong đó 1 KSV đang nghỉ phép) phải tập trung toàn bộ quân số tại cơ quan suốt từ sáng đến khuya, để phối hợp với Cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục tố tụng của vụ án theo quy định.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Nguyễn Phước Vinh (đứng) tại phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng.

KSV Nguyễn Phước Vinh là người trực tiếp đảm nhận việc đánh giá toàn bộ tài liệu, chứng cứ có được, cũng như tình hình điều tra thực tế, để phân công KSV theo sát các hoạt động của Cơ quan điều tra. Để đến ngày 17/2/2021, tức mùng 6 Tết Nguyên đán Tân Sửu, Phòng 3 đã báo cáo và tham mưu Viện trưởng VKSND tỉnh phê chuẩn khởi tố 32/35 bị can về tội Buôn lậu, đồng thời phê chuẩn tạm giam đối với 32 bị can này.  

Khi chúng tôi ngạc nhiên việc với bấy nhiêu con người, tại sao Phòng 3 có thể đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ của một “đại án” như thế, anh chia sẻ: “Thời điểm đó, chúng tôi chỉ biết lao đầu vào làm mà thôi”. Câu trả lời tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu đặt quân số 5 KSV của Phòng bên cạnh khối lượng công việc từ 5 tổ án, với gần 100 Điều tra viên của Cơ quan điều tra, chúng tôi biết đó là nỗ lực không biết mệt mỏi. Và anh, với vai trò “thủ lĩnh” phải làm việc quên cả ngày nghỉ, túc trực ngày đêm ngay tại cơ quan để vừa nghe báo cáo, vừa đánh giá chứng cứ, từ đó định hướng, đề ra yêu cầu điều tra đối với Cơ quan điều tra, nhằm bảo đảm cho hoạt động này được tiến hành hiệu quả, đúng pháp luật.

Và, thực tế đã chứng minh vai trò hết sức quan trọng của Viện kiểm sát trong suốt quá trình điều tra đại án buôn lậu này. Chỉ với vỏn vẹn chừng đó con người, nhưng anh vẫn chỉ đạo anh em vừa bảo đảm yêu cầu về thu thập chứng cứ, vừa phân hóa được vai trò của các đối tượng trong vụ án để phục vụ công tác truy tố, xét xử về sau. Và quan trọng nhất, dù áp lực công việc rất lớn, nhưng đơn vị vẫn kịp thời yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản và kê biên tài sản của các bị can đã bị khởi tố. Đây có thể xem là thắng lợi quan trọng, thể hiện được vai trò của ngành Kiểm sát trong việc thu hồi tiền do các đối tượng phạm tội mà có, góp phần giải quyết vụ án được triệt để.

Khi được hỏi về áp lực của KSV phải bảo vệ bằng được cáo trạng truy tố tại phiên xét xử sơ thẩm, anh chỉ cười, rằng “Nhờ theo sát tiến độ điều tra, bám chắc hồ sơ vụ án, đã giúp chúng tôi tự tin hơn trong việc đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo, cũng như giành được quyền chủ động trong khi tranh luận với luật sư bào chữa tại phiên xét xử sơ thẩm”...

Như để chứng minh, anh kể: tại phiên tòa, nhằm phản bác quan điểm của luật sư cho rằng các bị cáo chỉ thực hiện hành vi trốn thuế nên việc Viện kiểm sát truy tố về tội danh “buôn lậu” là không có căn cứ, KSV đã tập trung nhấn mạnh xăng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do Nhà nước quản lý bằng nhiều quy định riêng. Các bị cáo mua xăng không có hóa đơn chứng từ thì một là xăng giả, hai là xăng lậu. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát đã đưa ra các chứng cứ chứng minh lượng xăng bị bắt giữ trong vụ án là xăng thật, các bị cáo vì ham lợi vẫn mua và tiêu thụ, cho nên phải chịu trách nhiệm về tội danh “Buôn lậu” theo cáo trạng truy tố là hoàn toàn phù hợp...

Khi bài báo này lên khuôn, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề, nhưng các Kiểm sát viên Phòng 3 VKSND tỉnh Đồng Nai lại tiếp tục những chuyến công tác xa nhà để phục vụ cho giai đoạn 2 chuyên án 920G hiện đang được điều tra mở rộng. Vậy là có thể lần thứ 3 kể từ khi đại án diễn ra, anh và đồng nghiệp trong phòng không được đón Tết cổ truyền bên những người thân trong gia đình. Nỗi buồn ấy, chúng tôi biết anh sẽ giấu sâu trong lòng để toàn tâm đối diện những thách thức phía trước, bởi chúng tôi tin, khó khăn, thách thức càng khiến các anh trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn!

Nhờ những thành tích xuất sắc trong công tác, đồng chí Nguyễn Phước Vinh vinh dự được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020; Bằng khen về thành tích trong phong trào thi đua xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND thi đua thực hiện văn hóa công sở” (2019, 2021); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tặng do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021…


Trân Định - Việt An