Nữ Kiểm sát viên bản lĩnh trong vụ án phức tạp 

Bắc Trà My là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam, được biết đến với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, núi non hùng vĩ, cùng những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào nơi đây, rừng là cuộc sống của họ. Thế nhưng buồn thay, có một số cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng đã tha hóa, biến chất vì những lợi ích vật chất trước mắt, dẫn đến việc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để tham ô tài sản của Nhà nước. Vụ án Trần Đồng cùng đồng phạm tham ô tài sản, xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh là vụ án từng gây chấn động ở huyện miền núi Bắc Trà My từ 2 năm trước.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm trên đường đến hiện trường.  

Chị Võ Thị Trúc Lâm nhớ lại, ngày 20/9/2018, VKSND tỉnh Quảng Nam phân công VKSND huyện Bắc Trà My thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với Vụ án Trần Đồng cùng đồng phạm tham ô tài sản, xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc thôn 1, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My. Lúc ấy, chị là Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công trực tiếp thụ lý giải quyết vụ án.

Chị Võ Thị Trúc Lâm kể về vụ án: Bản thân xác định đây là vụ án tham nhũng, về nhân thân của các bị can trong giai đoạn thực hiện tội phạm là cán bộ Nhà nước có chức vụ quản lý nên quan hệ xã hội rất rộng, là những người có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ công tác, sẽ rất khó khăn cho việc điều tra, truy tố. Sau khi vụ án được chuyển về huyện Bắc Trà My, bị can Trần Đồng có đơn khiếu nại, không đồng ý với nội dung buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng và cho rằng công trình đã hoàn thành, có nghiệm thu nên quy kết bị can đồng tham ô là không thỏa đáng. 

Nội dung này, Kiểm sát viên tham mưu đề xuất với lãnh đạo làm công văn rút hồ sơ về Viện kiểm sát tiếp tục hoạt động điều tra, làm rõ các nội dung theo đơn khiếu nại của bị can Trần Đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Kiểm sát viên thực hiện việc tăng quyền năng pháp lý, trực tiếp điều tra. Đưa ra kế hoạch điều tra, nội dung điều tra, thu thập thêm tài liệu, lấy lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đa số là các cán bộ cấp tỉnh như Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ bảo vệ phát triển rừng của tỉnh Quảng Nam. Khó khăn là những nội dung cần điều tra làm rõ thuộc lĩnh vực công tác chuyên môn sâu của ngành Lâm nghiệp. Và đặc biệt, những đối tượng có liên quan trong vụ án mà Kiểm sát viên chuẩn bị thực hiện việc lấy lời khai lại đang chấp hành án tại trại giam, cách đơn vị đến hơn 100km.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm trong một lần đi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường vụ án hủy hoại rừng.             

Đúc kết về cảm xúc trong quá trình giải quyết vụ án, chị Võ Thị Trúc Lâm nói ngắn gọn: “Khó khăn thì nhiều, tủi hờn có. Không ít lần phải nghẹn lòng vì áp lực quyết liệt trong việc đấu tranh làm rõ thủ đoạn, vai trò các bị can trong vụ án. Nhưng rồi khi vụ án được giải quyết xong, tôi lại thấy tự hào vì vai trò của VKSND được thể hiện, mà nhất là vai trò công tố tại phiên tòa được phát huy đậm nét, kỹ năng thực hành quyền công tố được sử dụng rất nhiều trong phiên tòa. Thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội của các bị can rất tinh vi, Kiểm sát viên phải đấu tranh đến cùng để làm lộ chân tướng của bị can, chứ bị can một mực tìm cách chống chế, không nhận tội. Sau những nỗ lực, tôi đã hoàn thành trọng trách của một Kiểm sát viên khi vạch trần được thủ đoạn của các bị can trong vụ án”.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình được phân công giải quyết vụ án tham ô tài sản này, chị Trúc Lâm cho biết, đã từng phải bế theo con nhỏ chưa đầy tuổi đến trại giam để “đấu trí” cùng các bị can liên quan đến vụ án. Khi được phân công giải quyết vụ án này, bản thân chị đang nuôi con nhỏ, lúc đó mới được 9 tháng tuổi. Nhưng điều này không làm giảm sức chiến đấu của một Kiểm sát viên vốn không nề hà, không ngại khó, ngại khổ.

Để nắm được các thủ đoạn mà các bị cáo dựa vào để quanh co chối tội, nữ Kiểm sát viên này đã có một quyết định hết sức táo bạo: học nghiệp vụ kế toán và nghiệp vụ giao khoán bảo vệ rừng, Nghiên cứu các luật liên quan đến quản lý tài sản và quản lý tài sản tài chính công. Đồng thời từ kiến thức còn lại của môn học “kiểm sát chung” trong khâu kiểm sát tuân theo pháp luật của VKS mà chị được học là nền tảng để giải quyết vụ án này. Thông thường, để học và thành thạo được nghiệp vụ mang tính chuyên môn sâu này, đòi hỏi người học phải trải qua trường lớp đào tạo, giáo trình cũng như chương trình đào tạo bài bản. Nhưng, nữ Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm đã chọn cho mình cách học đặc biệt nhất, đó là tự học thông qua các tài liệu, sổ sách và thông qua sự hướng dẫn của bạn bè có chuyên môn, am hiểu về lĩnh vực này.

 “Tôi đại diện cho VKS với những cuộc đấu trí đối với các bị can là người đã từng có chức vụ, quyền hạn và nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực lâm nghiệp và các đồng nghiệp cấp trên của các bị can trong quá trình lấy lời khai. Họ đã dùng các tài liệu chuyên ngành để đối phó với cơ quan tố tụng, nên tôi càng phải nỗ lực hơn. Tôi đã dành nhiều đêm không ngủ để nghiên cứu lại toàn bộ “Đề án” về công tác dịch vụ môi trường rừng của UBND tỉnh; các quy định pháp luật như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; các thông tư quy định việc sử dụng kinh phí của Bộ Tài chính. Ngoài ra, còn phải tìm hiểu các quy trình thao tác lâm nghiệp ngoài thực địa, quy định lâm nghiệp sử dụng máy GPRS, hiểu phong tục, tập quán của người đồng bào miền núi khi đi rừng. Rồi phải tìm hiểu cả các mối quan hệ nội bộ của đơn vị xảy ra sai phạm, việc các bị can đã từng chèn ép cấp dưới thế nào… - tôi phải đọc kỹ, tìm hiểu các tài liệu kế toán, các báo cáo tài chính, sổ cái, sổ chi tiết, sổ quỹ tiền mặt, phải đọc lên được nội dung về các hoạt động bị che đậy và phân tích được lời khai của các bị can bằng những con số, chứ không phải nội dung văn bản. Phải hiểu và sử dụng các tài liệu, chứng cứ đó bằng kiến thức kế toán một cách nhuần nhuyễn khi kết hợp kiến thức pháp luật để tranh luận với bị can, bị cáo. Họ rất giỏi về kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm đều trên 20 năm đến 30 năm công tác, đã dùng những kinh nghiệm này để che đậy hành vi tham ô. Do đó, để vạch trần thủ đoạn của các bị can, tôi phải xây dựng hồ sơ đấu tranh, dự phòng các tình huống phát sinh, thống kê từng dạng vi phạm, từng loại việc để đón chờ bị cáo “phản công”. Kết quả, tại phiên tòa, tôi đã tranh luận, vạch trần sự che đậy và lời khai ngụy biện của các bị cáo một cách thuyết phục trước các Luật sư bào chữa, các bị cáo và Hội đồng xét xử” - Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm nhớ lại.

Đấu trí với tội phạm và thuyết phục các cơ quan chức năng

Đáng nhớ, việc điều tra vụ án trong thời điểm đang nuôi con nhỏ nên có những lần, Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm đã phải mang theo cả con (chưa đầy tuổi) cùng vào trại giam (cách cơ quan hơn 100km) để lấy lời khai người liên quan trong vụ án mà không để con bị ngắt sữa mẹ. “Đường đến trại giam nhiều đoạn bị hỏng, phải đi đường rừng nên có những lần đến nửa đêm mà hai mẹ con vẫn chưa về đến nhà” - chị Trúc Lâm nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm kiểm sát vụ án phá rừng. 

 Khó khăn trong quá trình đấu trí với các bị can trong vụ án không chỉ dừng lại ở đó bởi đây là một vụ án phức tạp, những đối tượng có hành vi sai phạm dùng chuyên môn nghiệp vụ về tài chính - kế toán, kinh nghiệm công tác trong việc giao khoán, bảo vệ rừng để che đậy dấu vết. Các đối tượng lại có mối quan hệ quen biết nhiều trong xã hội. Chính vì vậy mà vụ án được khởi tố để điều tra từ năm 2017, nhiều lần Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung. Vụ án nhiều lần phải hoãn phiên tòa, có những “trao đổi ngoài lề” không thuận lợi từ các cán bộ tiến hành tố tụng, tiến độ giải quyết vụ án rất chậm. Đặc biệt, vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về tội danh, được dư luận rất quan tâm. Nhưng KSV đã được sự chỉ đạo, của Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Văn Quang, anh không chỉ là người lãnh đạo, mà còn là cộng sự đặc biệt trong việc đánh giá chứng cứ để đưa ra được một công thức chắc chắn rằng người có chức vụ cộng với việc chiếm đoạt số tiền do mình trực tiếp quản lý là tội tham ô tài sản. Từ đó, KSV giữ nguyên quan điểm truy tố và tại phiên tòa xét xử đại diện VKS đã thực hành quyền công tố đã lập luận chặt chẽ, thuyết phục chỉ ra cho Hội đồng xét xử từng nội dung, từng vẫn đề trong vụ án… 

Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên thấy thái độ xét xử của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và 1 vị Hội thẩm nhân dân có biểu hiện lệch lạc, đưa ra những luận cứ bảo vệ bị cáo, cố tình không hiểu một số quy định trong quản lý Nhà nước về tài sản công. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Nam, Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm đã trực tiếp báo cáo  Thường vụ Huyện ủy, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết vụ án này…

leftcenterrightdel
 Đường lên hiện trường.

Sau nhiều lần xét xử, vụ án khép lại với kết quả là TAND huyện Bắc Trà My đã tuyên phạt các bị cáo đúng tội danh, điểm, khoản như cáo trạng VKS truy tố. Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Nam và cấp ủy địa phương đã ghi nhận, đánh giá cao vai trò của VKSND huyện Bắc Trà My, đặc biệt những nỗ lực của Kiểm sát viên vào sự thành công trong giải quyết vụ án. Tập thể VKSND huyện Bắc Trà My và cá nhân chị Trúc Lâm được Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam tặng Giấy khen do có thành tích xuất sắc trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án “Tham ô tài sản” này.

Nữ Kiểm sát viên năng nổ

Không chỉ là một Kiểm sát viên có bản lĩnh vững vàng, giàu tình yêu nghề mà với cương vị là Viện trưởng VKSND huyện, khi có những nhiệm vụ gian khổ nhất, chị Võ Thị Trúc Lâm đều đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện để làm gương cho đồng nghiệp trong đơn vị và cũng là để san sẻ những khó khăn với cấp dưới.

“Chị ấy rất nghiêm túc trong công việc nhưng trong sinh hoạt tại cơ quan, chị luôn tạo cho chúng em một không khí thoải mái, vui vẻ. Chị còn là người không ngại gian khổ, đích thân đi vào tận rừng sâu để kiểm sát, phối hợp giải quyết các vụ án về phá rừng”, Kiểm sát viên Võ Thị Hoài My bày tỏ sự quý mến khi nói về người lãnh đạo của mình.

Kiểm sát viên Võ Thị Hoài My kể, đã rất nhiều lần chị trực tiếp tham gia kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường các vụ án hủy hoại rừng tại các hiện trường rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hiểm trở. Mới đây nhất, vào giữa tháng 8/2021, tại huyện Bắc Trà My đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng tại địa bàn các xã Trà Giác, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Đốc. Đây là lần đầu tiên xảy ra nhiều vụ cháy rừng tự nhiên có diện tích lớn trên địa bàn nhiều xã, địa hình hiểm trở, khó khăn, phức tạp của huyện. 

leftcenterrightdel
VKSND huyện Bắc Trà My chế biến thực phẩm gửi người dân TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch COVID-19 năm 2021.                                                            

Để có thông tin chính xác, thực tế nhất phục vụ cho công tác chỉ đạo giải quyết điều tra làm rõ các vụ cháy rừng; đồng thời phát huy trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu đơn vị nên chị Trúc Lâm đã trực tiếp tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ cháy rừng tại Tiểu khu 813, thuộc thôn 3B, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, vụ cháy đã gây thiệt hại trên 12ha rừng.

Với cương vị là Viện trưởng VKSND Bắc Trà My, chị Võ Thị Trúc Lâm cùng đơn vị đã thực hiện việc sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ, ra nghị quyết xác định nội dung tham mưu cấp ủy thông qua “kiến nghị” đến Chủ tịch UBND huyện về sơ hở trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, được Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao và tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong huyện thực hiện. Chính vì vậy mà đầu năm 2021, VKSND huyện Bắc Trà My được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen về công tác kiểm sát điều tra khám phá các vụ án cháy rừng, phục vụ tốt tình hình chính trị địa phương trên địa bàn.

Cùng với việc thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ, chị Trúc Lâm còn được biết là một người năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ngoài công tác thực hiện chuyên môn, chị còn chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt công tác thiện nguyện, luôn mang hình ảnh người cán bộ trong sắc áo thiên thanh đến với bà con trong lúc khó khăn, thiên tai hoạn nạn. Đơn vị thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân thông qua tuyên truyền trực tiếp và qua các phiên tòa, nhất là phiên tòa giả định.

Trong cuộc thi tìm hiểu 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020), với tinh thần trách nhiệm, yêu ngành, yêu nghề, chị Trúc Lâm đã tham gia cuộc thi và được Ban tổ chức cuộc thi VKSND tỉnh Quảng Nam trao giải Nhất. Chị cũng sáng tác bài hát nhằm cổ vũ chiến sĩ trực chốt chống dịch COVID-19, nhưng thông qua đó đã nâng cao hình ảnh của cán bộ ngành KSND với ca khúc "Chiến trường không tiếng súng" rất xúc động, sâu lắng.

Để động viên đồng đội, đồng chí mình trong đoàn khám nghiệm phải trèo đèo, lội suối, vượt núi, băng rừng đi lên phía trước để hoàn thành nhiệm vụ, chị đã sáng tác bài “ Yêu rừng” với những ca từ khỏe khoắn, yêu thương, vui nhộn, làm hành trang tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong công tác.

Chị cũng là tác giả của một ca khúc tuyên truyền bầu cử. Từ nền nhạc ca khúc "Bắc Trà My yêu thương" của cố nhạc sĩ Thái Nghĩa, chị đã viết lời ca khúc "Ngày hội" rồi cùng chị em phụ nữ trong VKSND huyện tổ chức biểu diễn, tự thu âm, dựng clip nhằm tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trước đó, Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm còn được biết đến với ca khúc “Vinh quang ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam” ca ngợi ngành Kiểm sát, được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn. 

Tất cả những chuỗi hoạt động trên, từ công tác nghiệp vụ, phá án cho đến công tác thiện nguyện với bà con ở bản làng hay các ca từ trong các bài hát của chị đều có hình bóng của núi rừng. Chính tình yêu quê hương, mong muốn bảo vệ màu xanh của núi rừng kết lại thành động lực và bản lĩnh của một cán bộ Kiểm sát miền sơn cước.

Xuân Nha - Ngọc Quà