Chúng tôi về Cà Mau đúng vào những ngày toàn tỉnh đang nô nức tổ chức “Tuần Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau 2019” với nhiều hoạt động phong phú như: tổ chức bắn pháo hoa, khánh thành nhiều công trình mang dấu ấn lịch sử như đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ Âu Cơ và Cột cờ Hà Nội ngay trên vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Khác hẳn với vẻ thâm trầm mọi ngày, huyện Ngọc Hiển nói chung và xã Đất Mũi nói riêng hôm nay đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, náo nức không khí xuân và được ví như cô gái mới lớn, kiêu sa và căng tràn sức sống.
“Áo mới Cà Mau”
Xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) từng được biết đến là một xã nghèo đúng “chuẩn” với đủ tiêu chí “4 không”: không điện, đường, trường, trạm, thì nay, số hộ nghèo, cận nghèo đã giảm, đời sống của người dân được nâng cao, mạng điện lưới quốc gia đã kéo đến tận nhà người dân, trường học đã được xây dựng khang trang, không còn tình trạng học sinh bỏ học, mù chữ như trước đây. Nhiều ngôi nhà hiện đại được mọc lên thay thế cho những ngôi nhà tuềnh toàng, dột nát trước đây. Sức khỏe của người dân được quan tâm chăm sóc, chất lượng sống được nâng lên khi có trạm y tế.
Đất Mũi là 1 trong 4 xã thuộc 4 tỉnh, thành trên cả nước giữ vị trí là 1 trong 4 cực của tổ quốc nên việc hướng đến phát triển du lịch là điều trăn trở của chính quyền nơi đây. Mặc dù lĩnh vực du lịch của xã bước đầu đã được chú trọng đầu tư, song mức độ khai thác vẫn chưa đạt như kỳ vọng, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch ở vùng Đất Mũi vẫn đang ở mức sơ khai. Tuy nhiên, cũng chính vì còn đậm nét hoang sơ nên nơi đây được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của những du khách ưa khám phá và yêu vẻ dân dã, mộc mạc.
|
|
Mốc tọa độ quốc gia GPS0001 thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. |
Trước đây, khách tham quan muốn đến được Đất Mũi chủ yếu phải di chuyển bằng ca nô, không chỉ mất nhiều thời gian mà giá thuê ca nô lại cao nên khách du lịch cũng e ngại khi lựa chọn đến với vùng cực Nam của tổ quốc. Tuy nhiên, từ khi thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi đã tạo điều kiện cho du khách đến đây một cách dễ dàng bằng đường bộ. Đường sá khai thông, lại có sẵn tiềm năng và ý nghĩa địa lý, Đất Mũi nay đã nằm trong kế hoạch lữ hành của nhiều du khách, trong đó có những du khách phương xa, cách hàng nghìn cây số.
Nếu như trước đây, đến với Đất Mũi, du khách chỉ đơn giản chụp được vài tấm hình kỉ niệm với mũi tàu biểu tượng và mốc tọa độ quốc gia thì nay, ngoài những địa điểm quen thuộc đó, du khách còn được tham quan Cột mốc đường Hồ Chí Minh, điểm cuối Cà Mau (km 2436) là điểm du lịch đánh dấu điểm cuối cùng trên hành trình trải dài từ cực Bắc tổ quốc (đỉnh Lũng Cú - Hà Giang) đến Đất Mũi - Cà Mau; tham quan mô hình cột cờ Hà Nội, Bảo tàng Đất Mũi, viếng đền thờ Lạc Long Quân, một công trình mang lối kiến trúc đền thờ Bắc bộ, chiêm ngưỡng tượng Mẹ Âu Cơ… ngay trên mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc.
Đến với Đất Mũi, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động tham quan, giải trí chỉ riêng có ở vùng đất này như: đi dạo sâu vào rừng, đi trên những cây cầu được làm bằng cây đước hoặc bê tông giả đước, đi dạo dọc theo bờ kè chắn sóng để ngắm biển và các loài sinh vật biển...
Nếu như trước đây, nhiều du khách nói rằng Đất Mũi không có gì để họ trải nghiệm, không có gì để níu chân họ quay lại thì nay, du lịch Đất Mũi đã có hình thức du lịch cộng đồng. Nhiều homestay do chính người dân bản địa dựng lên, du khách có thể ở lại qua đêm và trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân như: xổ vuông, cùng đi mò sò, đi bắt cá thòi lòi, bắt ba khía, ốc len, cua… Du khách cũng có thể tự tay chế biến những sản phẩm mình thu hoạch được thành những món ăn dân dã để rồi sau đó, quây quần bên mâm cơm, nhâm nhi vài xị đế và thưởng thức những làn điệu của đờn ca tài tử, được say giấc trong những căn nhà không có cửa…
Cán bộ Kiểm sát đỡ vất vả hơn
Chính những đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đời sống kinh tế- xã hội, đặc biệt là lối sống của con người nơi đây đã đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm nói chung và hoạt động kiểm sát của VKSND hai cấp tỉnh Cà Mau nói riêng.
Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau Đặng Dư Phương cho biết: Là một tỉnh có đặc thù về vị trí địa lý và người dân cũng có lối sống đặc trưng nên hoạt động kiểm sát tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất đối với VKS hai cấp tỉnh Cà Mau trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình chính là xuất phát từ vị trí địa lý của vùng đất này.
Với vị trí ba mặt giáp biển, hệ thống kênh rạch chằng chịt, việc di chuyển đi lại chủ yếu vẫn là bằng đường thủy, phương tiện được sử dụng đi lại chủ yếu là vỏ composite, ca nô, đã gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên.
Với điều kiện đi lại như vậy, từ khi tội phạm xảy ra cho đến khi nhận được tin báo, rồi đến khi lực lượng chức năng đến nơi là đã mất một khoảng thời gian đáng kể. Hiện trường thường là ở trong rừng, ngoài biển, khi lực lượng chức năng đến nơi thì dấu vết hiện trường không còn được nguyên vẹn như ban đầu. Hiện trường không được xử lý kịp thời dẫn đến việc đánh giá không đúng về hiện trường, về hành vi phạm tội của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Xã Đất Mũi nói riêng và huyện Ngọc Hiển nói chung, dân cư hết sức phức tạp, ngoài người dân bản địa thì còn có rất nhiều người từ nơi khác đến mưu sinh. Vì là nơi có cửa biển nên hoạt động đánh bắt thủy sản trên vùng biển Đất Mũi diễn ra rất sôi động, nhiều tàu biển, ghe biển và ngư phủ từ các tỉnh khác đến đây đánh bắt thủy sản dẫn đến tình hình an ninh trật tự trên biển cũng rất phức tạp. Chính vì các ngư phủ thường xuyên sinh hoạt trên biển, đi đánh bắt xa bờ dài ngày nên khi xảy ra các vụ án như đánh nhau gây thương tích, giết người xảy ra trên biển thì với phương tiện được trang bị như hiện tại cùng khoảng cách địa lý, các lực lượng chức năng không thể có mặt ngay sau khi vụ án xảy ra để ghi nhận các dấu vết tội phạm, chỉ có thể chờ cho các ghe tàu này vào bờ, hoặc nếu có phương tiện để đi ra thì cũng phải mất khoảng thời gian đáng kể, vì vậy dẫn đến việc xử lý hậu quả không kịp thời.
Chia sẻ thêm về những đặc thù của Ngành trong điều kiện hiện nay, nhất là với những khác biệt về vị trí địa lý của tỉnh nhà, Viện trưởng Đặng Dư Phương cho biết thêm: Mặc dù Kiểm sát viên đã rất khẩn trương sau khi tiếp nhận tin báo nhưng do điều kiện đi lại khó khăn, có tính chất đặc thù nên khi thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi hoặc đi kê biên tài sản, Kiểm sát viên gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, nhiều khi cán bộ, Kiểm sát viên phải ở lại hiện trường 2-3 ngày. Do đó, mặc dù so với các tỉnh, thành khác, án xảy ra tại địa phương không nhiều nhưng các Kiểm sát viên luôn trong tâm thế sẵn sàng cho những chuyến công tác dài ngày. Tuy vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp tỉnh Cà Mau vẫn luôn lạc quan, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.
Khó khăn phía trước chắc hẳn vẫn còn nhiều, song trước những đổi thay của vùng Đất Mũi - Cà Mau hôm nay, Viện trưởng Đặng Dư Phương không giấu nổi sự lạc quan: “Với những người công tác trong ngành Kiểm sát, cùng với ý chí, nghị lực và tình yêu Ngành, yêu nghề, họ đã an tâm, ấm lòng hơn khi phương tiện và trang thiết bị phục vụ quá trình hoạt động của Ngành đã được đáp ứng, giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc do vị trí địa lý, thiên tai gây ra. Đất Mũi đổi thay, cán bộ Kiểm sát chúng tôi cũng đỡ vất vả nhiều”.