Nữ Kiểm sát viên “truy” điểm xuất phát lửa

Vụ cháy rừng thông ở Nghi Xuân là vụ cháy rừng lớn nhất tại tỉnh Hà Tĩnh từ trước đến nay. Ngọn lửa bùng lên từ trưa ngày 28/6/2019, cháy liên tục 2 ngày 2 đêm, đã thiêu rụi hơn 60ha rừng thông lâu năm trên dãy Hồng Lĩnh. Hàng nghìn người cùng phương tiện đã được Hà Tĩnh và tỉnh bạn Nghệ An huy động tổng lực để khống chế, dập tắt đám cháy. Giữa tâm bão lửa như “Hỏa Diệm Sơn” đó, là bóng dáng lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND huyện Nghi Xuân quần áo lem luốc, người ướt đẫm mồ hôi, phối hợp cùng dập lửa, cứu rừng.

Phóng viên ấn tượng với Kiểm sát viên (KSV) Đặng Thị Lượng trong những ngày “bão lửa” đó. Lúc đầu cứ nghĩ, chị đến hiện trường vì sự điều động của lãnh đạo đơn vị, thân nữ nhi sẽ chỉ đứng dưới chân núi mà nhìn lên như một số người khác. Nhưng không, buộc vội mái tóc ngắn, khoác lên người chiếc áo chống nắng, bịt khẩu trang hạn chế lửa táp, cùng với chiếc gậy bẻ vội dưới chân núi, KSV Đặng Thị Lượng phăm phăm theo chân lực lượng chữa cháy, leo núi ngay chiều ngày 28/6.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Đặng Thị Lượng yêu cầu và xác định đúng điểm xuất phát cháy. 

Mải miết ghi hình, đưa tin về vụ cháy, tôi quên bẵng đi chuyện nữ KSV này lên núi dập lửa. Đến hơn 1h đêm ngày 28/6, khi ngọn lửa bùng phát dữ dội, tôi tình cờ gặp KSV Đặng Thị Lượng đang ngồi bệt bên bìa rừng, hội ý cùng Cơ quan điều tra về việc tạm giữ, lấy khẩu cung ban đầu với đối tượng Phan Đình Thành, là đối tượng liên quan đến vụ cháy rừng khủng khiếp này.

Thì ra, cả buổi chiều KSV Đặng Thị Lượng lên núi dập lửa, nhưng cũng chính là đang thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo đơn vị giao phó, là phối hợp cùng Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân ban đầu gây ra vụ cháy, xác định đối tượng gây cháy rừng. Chỉ chưa đầy mấy tiếng đồng hồ sau khi vụ cháy xảy ra, đối tượng đã được xác định và đang bị tạm giữ tại Cơ quan điều tra.

“Viện kiểm sát sẽ phê chuẩn lệnh tạm giữ trong sáng ngày mai để phục vụ điều tra, nhưng trước khi phê chuẩn, đề nghị các anh hoàn thiện hồ sơ, chứng cứ, lời khai ban đầu của đối tượng cùng những nhân chứng liên quan. Cần làm ngay và xác định chính xác để việc tạm giữ có căn cứ. Riêng hiện trường, chúng ta cũng cần phải tiến hành khám nghiệm ngay sau khi lửa tắt. Khám nghiệm hiện trường song song với việc đo đếm, xác định thiệt hại. Cần thiết, sẽ tiến hành khám nghiệm cuốn chiếu, lửa tắt đến đâu, khám nghiệm đến đó, phải xác định chính xác, truy ra điểm xuất phát cháy và thống kê chính xác thiệt hại để làm căn cứ khởi tố, xử lý sau này” - KSV Đặng Thị Lượng có ý kiến ngay tại hiện trường.

leftcenterrightdel
Nữ Kiểm sát viên leo núi xác định thiệt hại cháy rừng. 

Cuộc hội ý thống nhất theo đề xuất của Kiểm sát viên. Trong đêm hôm đó, lời khai của đối tượng Phan Đình Thành được củng cố, đối tượng khai nhận hành vi đốt rác gây cháy rừng của mình. KSV Đặng Thị Lượng cũng trải qua một đêm thức trắng để phối hợp lấy lời khai và nghiên cứu các căn cứ pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật để làm báo cáo đề xuất lên lãnh đạo Viện, xác định chính xác điều khoản, tội danh của đối tượng để làm căn cứ phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra.

“Nhưng để có căn cứ phê chuẩn khởi tố, tạm giam đối tượng, cũng là để xử lý vụ án sau này, thì hiện trường, chứng cứ, thiệt hại… phải cụ thể, rõ ràng, phải có sức thuyết phục, không chung chung được. Nên sáng ngày 30/6, khi ngọn lửa chưa tắt hẳn, chúng tôi đã tiến hành khám nghiệm hiện trường theo kiểu cuốn chiếu. 2 ngày liền leo núi khám nghiệm, đo đếm thiệt hại, là 2 ngày... cực khổ nhất” - KSV Đặng Thị Lượng cho biết.

Theo KSV Đặng Thị Lượng, việc khám nghiệm diễn ra chặt chẽ, chi tiết và tỉ mỉ. Ngoài việc đo đếm diện tích rừng bị cháy, còn kiểm đếm, thống kê thiệt hại rừng. KSV kiểm sát việc khám nghiệm đã có những yêu cầu cụ thể trong việc khám nghiệm, điều tra thu thập, củng cố chứng cứ, bảo đảm cơ sở vững chắc trong việc lập hồ sơ xử lý vụ việc theo đúng các quy định của pháp luật. Đáng chú ý, trong câu chuyện của KSV Đặng Thị Lượng, được biết, những đề xuất, yêu cầu của KSV đã giúp Cơ quan điều tra xác định chính xác thời gian, điểm xuất phát cháy, cũng như kiểm đếm chính xác thiệt hại.

“Đối tượng Phan Đình Thành đã khai nhận, nhưng thời gian thì không chính xác, trong lúc hiện trường lại bị xáo trộn do lực lượng chữa cháy đông, việc xác định điểm xuất phát cháy ban đầu có khó khăn. Nhưng bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, tôi yêu cầu xác định thời gian gây cháy dựa vào lời khai các nhân chứng, những người có mặt tại hiện trường đầu tiên khi Phan Đình Thành kêu gọi nhờ dập lửa. Riêng hiện trường xác định điểm xuất phát cháy, ngoài lời khai của đối tượng, tôi yêu cầu “truy” đường lửa bén theo hướng gió Tây Nam – Đông Bắc. Truy ngược đường lửa bén thì sẽ đến điểm xuất phát cháy là góc vườn nhà đối tượng, nơi đối tượng khai dọn vườn, đốt rác” – KSV Đặng Thị Lượng tiếp tục kể.

Kinh nghiệm và bản lĩnh nghiệp vụ đã chứng minh yêu cầu của Kiểm sát viên là đúng. Đoàn khám nghiệm hiện trường leo dần lên núi thì phát hiện đường lửa bén theo đúng nhận định của KSV, đường lửa bén theo hướng gió từ Tây Nam sang Đông Bắc, không có cháy ngược lại hay là một điểm cháy nào khác, phía trước điểm xuất phát lửa thì vẫn xanh tươi bình thường, sau điểm đó là đường lửa bén, tro bụi tan hoang, cả cánh rừng không còn màu xanh cây cỏ nữa, mà là một màu “chết”. Màu “chết” của rừng xuất phát từ hố rác ở góc vườn nhà Phan Đình Thành, nơi gần trưa ngày 28/6 Thành dọn vườn, đốt rác.

KSV Đặng Thị Lượng kể, lúc đi khám nghiệm trời nắng gắt, lửa vẫn chưa tắt hẳn, vẫn còn những đám cháy nhỏ, âm ỉ trong than tro và lớp thực bì rất dày. Đường lên đỉnh núi thì dốc, bao năm không có dấu chân người, cứ thế chống gậy giẫm lên than tro mà đi, kiểm đếm chi tiết thiệt hại từng ô, từng khoảnh rừng, những cành cây cháy khô sót lại cào xước hết cả chân, tay, mặt mũi thì bỏng rát vì nắng nóng và gió Lào cuốn tro bụi táp thẳng vào mặt.

“2 ngày, phải leo núi đi bộ hết hơn 60ha rừng. Theo chuyên môn của Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ thì họ chỉ khoanh ô đếm cây tương ứng, với sai số 10%. Nhưng đây là khám nghiệm hiện trường để làm căn cứ, lập hồ sơ xử lý hình sự, thì phải đi đo đếm cẩn thận, đến từng ô, đếm từng cây để xác định chính xác thiệt hại, làm căn cứ khởi tố. Sau 1,5 tháng thì sẽ phải đánh giá lại một lần nữa mới bảo đảm chính xác” - KSV Đặng Thị Lượng nói.

“Đi bộ, leo núi khổ cực là vậy, nhưng không bằng khát. Ngày đầu, cả đoàn chỉ nghĩ đơn giản, đem theo mấy chai nước, leo lên đến đỉnh núi thì nước mang theo cũng hết. Cái khát, cùng tro bụi bay xộc thẳng vào mũi rất khó thở. Thở bằng mồm thì tro than bay vào, thở bằng mũi thì không thể, vì bụi than bám kín. Cả đoàn khám nghiệm ai cũng lả người đi. Nhưng do yêu cầu cấp bách, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương nên phải động viên nhau cố gắng trụ lại, làm gấp. Cũng may, đến chiều thì dân quân lên tiếp tế nước uống, rửa mặt mới tạm dễ chịu hơn và tiếp tục công việc” – KSV Đặng Thị Lượng tiếp tục kể.

“Trong đoàn khám nghiệm hiện trường cháy rừng 2 ngày đó, chỉ có một mình KSV Đặng Thị Lượng là nữ. Nhưng chị không kém gì cánh đàn ông chúng tôi, khi leo núi vượt dốc, không bỏ lỡ một nhịp nào, vừa leo núi, vừa ghi chép, vừa đưa ra yêu cầu… Cũng nhờ đó, mà bức tranh toàn diện về vụ cháy rừng này được vẽ ra nhanh chóng, tỉ mỉ và chi tiết. Chúng tôi thật nể phục” - Thượng tá Nguyễn Quang Thành - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân cho biết.

leftcenterrightdel
Ngọn lửa cháy liên tục 2 ngày 2 đêm, đã thiêu rụi hơn 60ha rừng thông lâu năm trên dãy Hồng Lĩnh. Ảnh: PV 

Vạch hướng điều tra, buộc đối tượng gây cháy rừng nhận tội

Trước và sau vụ cháy rừng khủng khiếp ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã liên tiếp xảy ra cháy rừng lớn ở Hương Sơn và Cẩm Xuyên. Trong đó, riêng Hương Sơn có 10/32 xã, thị trấn để xảy ra cháy rừng. Có 2 vụ cháy rừng ở xã Sơn Trung và Sơn Hồng, nguyên nhân gây cháy đã được xác định, là do người dân đi rừng đốt cỏ, đốt ong gây nên. Hiện vụ cháy rừng ở Sơn Trung đã được cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Riêng vụ cháy rừng ở Sơn Hồng, Cơ quan điều tra xác định do 3 đối tượng đi đốt ong gây nên. Điều đáng nói, để đối tượng thừa nhận, Kiểm sát viên đã phải đấu trí, vạch ra hướng điều tra thu thập chứng cứ, nhân chứng, khiến đối tượng phải cúi đầu nhận tội.

“Vụ cháy rừng ở xã Sơn Hồng xảy ra ngày 23/6/2019. Đây là rừng tự nhiên quy hoạch rừng sản xuất, nên vụ cháy gây thiệt hại lớn. Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Công an, VKS đã đến ngay hiện trường phối hợp khám nghiệm, điều tra làm rõ nguyên nhân. Ban đầu đã xác định chính xác 3 đối tượng đi đốt ong lấy mật ở địa phương gây ra. Tuy nhiên, chỉ có 2 đối tượng thừa nhận hành vi. Riêng đối tượng Cao Huy Chương lại không chịu thừa nhận, luôn khai là không làm, không biết, không thấy. Buộc chúng tôi phải vạch hướng điều tra, thu thập chứng cứ, nhân chứng để bắt đối tượng này phải nhận tội” - KSV Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng VKSND huyện Hương Sơn cho biết.

Theo Phó Viện trưởng Lê Anh Tuấn, sau khi vụ cháy rừng xảy ra, gây thiệt hại hơn 2ha rừng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, CQĐT đã xác định do 3 đối tượng nghi vấn là Lương Xuân Thịnh, Nguyễn Văn Sửu, và Cao Huy Chương, cùng trú tại xã Sơn Hồng (Hương Sơn) đi đốt ong lấy mật gây ra. 

“Tại Cơ quan điều tra, chỉ có Thịnh và Sửu thừa nhận hành vi, riêng Cao Huy Chương nhất mực không thừa nhận. Quá trình tạm giữ, lấy lời khai, đối tượng Chương rất ngoan cố. Tôi trực tiếp tham gia phối hợp lấy lời khai mấy lần, nhưng đối tượng này vẫn không khuất phục, buộc tôi phải yêu cầu Cơ quan điều tra đấu tranh, dùng các biện pháp nghiệp vụ xác định không gian, thời gian, địa điểm, cũng như yêu cầu thu thập nhân chứng, ghi lại các lời khai nhân chứng gián tiếp, xác định di biến động của đối tượng trong khoảng thời gian trước, trong và sau khi xảy ra vụ cháy để có chứng cứ thuyết phục đối tượng nhận tội”- Phó Viện trưởng Lê Anh Tuấn kể.

Để có chứng cứ thuyết phục, theo yêu cầu của Kiểm sát viên, Cơ quan điều tra đã về địa phương điều tra, ghi nhận những lời khai của nhân chứng, cũng như ghi nhận hoạt động bán mật ong rừng của đối tượng Cao Huy Chương, truy xuất chứng cứ… Cuối cùng, với những chứng cứ không thể chối cãi, với lập luận thuyết phục của Kiểm sát viên trong quá trình lấy lời khai, Cao Huy Chương đã phải cúi đầu thừa nhận hành vi, cùng với 2 đối tượng là Thịnh, Sửu gây nên vụ cháy rừng ngày 23/6/2019 ở xã Sơn Hồng.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Đặng Thị  Lượng kiểm sát khám nghiệm hiện trường. 

“Để làm rõ những vụ cháy rừng là việc không hề đơn giản. Buộc các đối tượng thừa nhận hành vi cũng thế, phải có nhân chứng, vật chứng đầy đủ, kể cả phải thực nghiệm hiện trường để xác định chính xác hành vi, đối tượng và điểm xuất phát cháy. Những vụ này, KSV phải tham gia lấy lời khai ngay từ đầu, phải khám nghiệm, ghi chép hiện trường tỉ mỉ, những nhân chứng gián tiếp cũng không được bỏ sót. Riêng đánh giá thiệt hại, thì phải đi đo, đếm từng gốc cây, không được bỏ sót” - Phó Viện trưởng Lê Anh Tuấn nói.

***

Sau những vụ cháy rừng khủng khiếp, liên tục, với mật độ trải đều trên các cánh rừng ở Hà Tĩnh thời gian qua, chính quyền Hà Tĩnh đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm tổ chức, đối tượng gây ra cháy rừng. Để khởi tố được nhanh, chính xác 3 vụ cháy rừng, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị địa phương đó, có vai trò không nhỏ của ngành Kiểm sát Hà Tĩnh. Trong đó, nổi bật là những Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ kiểm sát xử lý tin báo, kiểm sát điều tra, đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, lao mình vào “điểm nóng” để kiểm sát khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, đề ra các yêu cầu điều tra chính xác, kịp thời, phục vụ việc phê chuẩn các quyết định tố tụng của cơ quan chức năng bảo đảm đúng người, đúng tội, kịp thời răn đe, giáo dục người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng, không để những đám cháy tiếp diễn.

Bài và ảnh: Bùi Tiến