Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: 

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

.........”

leftcenterrightdel
Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi. Ảnh minh họa

Như vậy, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì cấu thành tội phạm. Nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm...

Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

“1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;

b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;”

Như vậy, nếu một người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng, nếu trước đó, người đó đã bị kết án về tội chiếm đoạt (về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý), thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 do được xem là không có án tích.

Tuy nhiên, nếu một người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng, nhưng trước đó, người đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ví dụ 1: Ngày 1/03/2018, Nguyễn Văn A (sinh ngày 1/1/2002) bị Tòa án tuyên phạt 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự (về tội phạt ít nghiêm trọng).

Ngày 1/9/2018, A chấp hành xong hình phạt tù. Đến ngày 16/9/2018, A có hành vi trộm cắp tài sản là 2 con gà trị giá 450.000 đồng. Tuy nhiên, do A được coi là không có án tích theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự nên A không bị xử lý hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” (do trộm tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng không có tiền án).

Ví dụ 2: Ngày 1/3/2018, Nguyễn Văn B (sinh ngày 1/1/2002) bị Công an xã xử phạt hành chính số tiền 375.000 đồng về hành vi trộm cắp tài sản. B chấp hành xong ngày 1/6/2018.

Đến ngày 16/9/2018, B tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản là 2 con gà trị giá 450.000 đồng. Như vậy, hành vi của B đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” (trộm dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản) theo Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Từ hai ví dụ trên cho thấy, mặc dù Nguyễn Văn A đã bị Tòa án kết án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng do A chưa đủ 18 tuổi nên được coi là không án tích nên khi tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản (có giá trị dưới 2.000.000 đồng) thì A vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi B, dù chỉ bị xử phạt hành chính (nhẹ hơn bị kết án), nhưng khi có hành vi trộm cắp tài sản (có giá tri dưới 2.000.000 đồng) thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”.

Từ những bất cập trên, các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung, thay đổi quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính theo hướng có lợi cho người chưa thành niên, để thống nhất với chính sách nhân đạo của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội!

Tuyết Hằng