Theo cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Hà Tĩnh, khoảng 16h ngày 31/5/2016, tài xế Phan Đình Quân điều khiển xe tải chạy trên quốc lộ 1A theo hướng Nam - Bắc, đoạn từ xã Kỳ Đồng đến xã Kỳ Tiến. Khi đến xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tài xế bất ngờ điều khiển cho xe ôtô chuyển hướng rẽ phải từ Quốc lộ 1A đi vào đường liên xã theo hướng đến UBND xã Kỳ Tiến dẫn đến gây tai nạn cho xe máy điện, BKS 38M1-218.54 do em Hoàng Đức P. (SN 1998; trú tại xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển cũng vừa đi đến làm xe máy điện văng ra, em P bị cuốn vào gầm xe ô tô.
Biết mình đã gây tai nạn, Phan Đình Quân dừng và nhảy xuống xe quan sát thấy em P nằm bất động phía trước bánh sau bên phụ xe ô tô. Sau đó, Phan Đình Quân lên xe cho xe chạy tiến lên đè qua đầu nạn nhân làm cho nạn nhân bị vỡ sọ não dẫn đến tử vong.
Để làm rõ hơn quan điểm truy tố của VKS đối với tài xế xe tải trong vụ án trên, PV báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc làm việc với ông Ngô Đức Thủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Ngô Đức Thủy cho biết, sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra (vào tháng 5/2016), gần một tháng sau đó Công an TX. Kỳ Anh đã khởi tố vụ án, xử lý “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, HĐXX TAND TX.Kỳ Anh nhận định hành vi điều khiển xe cán qua đầu nạn nhân làm vỡ hộp sọ của nạn nhân chính là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" đối với Phan Đình Quân.
Vụ việc ngay sau đó được liên ngành tố tụng cấp tỉnh rút lên để nghiên cứu, chỉ đạo, nhưng trong quá trình điều tra thì không xác định được nhân chứng nào gần đó nói về việc em học sinh này đang còn sống lúc xảy ra tai nạn. Lúc đó, chỉ có duy nhất một người lái taxi chạy ngược chiều, phía bên kia đường khi lái xe qua thì nhìn thấy cháu bé vẫn giơ tay vẫy. Tuy nhiên, sau khi lấy lại lời khai và thực nghiệm lại hiện trường thì người lái taxi cũng không khẳng định được là thấy được hành động vẫy tay đó của nạn nhân, đồng thời cũng chỉ sai vị trí của nạn nhân nên không đủ căn cứ để xác định được nạn nhân chết trước hay sau khi tai nạn xảy ra.
Sự việc gây nhiều tranh cãi cho các cơ quan tố tụng, liên tiếp nhiều cuộc họp liên ngành giữa Tòa án, VKSND và Cơ quan điều tra để xem xét đó là tội Giết người hay tội Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ? Kết quả điều tra bổ sung xác định, hành vi khi gây ra tai nạn lái xe này đã nhảy xuống xe và đã lên xe tiếp tục điều khiển xe tiến lên phía trước gây vỡ hộp sọ nạn nhân.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã xác định nguyên tắc theo luật là khi tai nạn xảy ra thì phải giữ nguyên hiện trường và đưa người bị nạn đi cấp cứu nhưng tài xế lại lên xe điều khiển xe đi. Dựa vào căn cứ đó cơ quan tố tụng đã đề nghị truy tố lái xe tội Giết người. Vụ án này đã được các cơ quan tố tụng họp rất nhiều lần, là cả một quá trình điều tra, thực nghiệm lại hiện trường, làm việc kỳ công, đánh giá khách quan, chứ không thể tự nhiên đang tội này mà truy tố sang tội khác được, ông Ngô Đức Thủy cho biết thêm.
Nói về trách nhiệm VKS trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án, ông Ngô Đức Thủy cho rằng: Các cơ quan tố tụng nói chung và VKS nói riêng đã làm hết mình trong quá trình kiểm sát điều tra bổ sung, thu thập chứng cứ và củng cố hồ sơ, theo trình tự pháp luật. Bên cạnh đó, VKS đã có sự đánh giá khách quan, nhìn nhận đúng bản chất sự việc, truy tố tội danh “đúng người, đúng tội”. Hiện nay, cơ quan VKSND tỉnh đã quyết định truy tố Phan Đình Quân theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999, theo đó khung hình phạt từ 7 đến 15 năm là khung hình phạt mà bị cáo phải nhận”.
Đặng Thùy