Liêm chính, vô tư, đúng mực
Theo nội dung Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán được Tòa án nhân dân tối cao tổ chức công bố vào sáng nay (21/9), trước hết, Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. Đồng thời, Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ.
Về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán, Bộ Quy tắc nêu rõ: Thẩm phán phải có tính độc lập; sự liêm chính; sự vô tư, khách quan; công bằng, bình đẳng; sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; đồng thời phải là người có năng lực và sự chuyên cần.
Cũng theo Bộ Quy tắc, trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết vụ việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào. Thẩm phán không được lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cho mình hoặc cho người khác; không để các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác từ bất kỳ ai vì lý do liên quan đến công việc mà Thẩm phán giải quyết. Thẩm phán phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
|
|
Toàn cảnh Lễ công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán |
Bên cạnh đó, Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ một cách đúng đắn, không vì lợi ích cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc. Thẩm phán phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc. Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.
Mặt khác, Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng để những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của họ trong quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán không được và không cho phép các hành vi bất bình đẳng, phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội, hình thức sở hữu và thành phần kinh tế của cá nhân, pháp nhân.
Ngoài ra, trong mọi hoạt động của mình, Thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng; duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác. Thẩm phán phải tận tụy với công việc và cống hiến hết mình trong việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp nhằm giải quyết nhanh nhất các vụ việc được giao. Khi giải quyết các vụ việc, Thẩm phán phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không để các vụ việc quá hạn luật định vì những nguyên nhân chủ quan.
Thêm vào đó, Thẩm phán phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, bản lĩnh nghề nghiệp và khả năng chuyên nghiệp của người Thẩm phán. Đồng thời, Thẩm phán phải chuyên tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao; tích cực làm việc với tinh thần “làm hết việc, không làm hết giờ”.
Cùng với những quy định về chuẩn mực, Bộ Quy tắc cũng quy định về những quy tắc ứng xử của Thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ; ứng xử tại cơ quan; ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí; ứng xử tại nơi cư trú, tại gia đình, tại nơi công cộng; ứng xử đối với các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử.
Cuốn cẩm nang để mỗi Thẩm phán rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu
Phát biểu tại Lễ công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, để tiếp tục trau dồi, nâng cao đạo đức của đội ngũ Thẩm phán; triển khai thực hiện các nghị quyết, văn kiện của Đảng về công tác cán bộ; về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo đảm các Thẩm phán là những tấm gương về đạo đức thanh liêm; về “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư", "gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, ngày 04/7/2018, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ký ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, trong đó quy định những chuẩn mực đạo đức và những quy tắc ứng xử của Thẩm phán.
|
|
Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao chủ trì Lễ công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán |
Cũng theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ Quy tắc được xây dựng trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật cán bộ công chức, Luật phòng chống tham nhũng, các đạo luật về tố tụng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; tham khảo có chọn lọc các quy định, quy tắc về đạo đức của nước ngoài. Tuy nhiên, các quy định trong Bộ Quy tắc không phải là sự sao chép lại các quy định của luật mà là sự ghi nhận một cách hệ thống những thành tố hình thành nên đạo đức của người Thẩm phán, những ứng xử mà Thẩm phán phải thực hiện để giữ gìn phẩm giá của mình, sự tôn trọng, tin tưởng mà nhân dân và xã hội dành cho họ.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước ta đang triển khai mạnh mẽ các chủ trương, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiện toàn công tác cán bộ, việc ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán là hết sức có ý nghĩa. Bộ Quy tắc là cuốn cẩm nang ghi nhận một cách hệ thống những chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử để mỗi Thẩm phán rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu; đồng thời, đây là sự cam kết mạnh mẽ của Ban cán sự đảng TAND tối cao, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, các Thẩm phán trong toàn quốc nói riêng và cán bộ, công chức Tòa án nói chung về việc giữ gìn đạo đức, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
P.V
Sáng nay (21/9) tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TAND tối cao, TAND tối cao đã tổ chức Lễ công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Bộ Quy tắc gồm 03 chương, 17 điều quy định về những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân.
|