Theo đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi nêu kiến nghị về tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tố tụng. Cụ thể, pháp luật tố tụng hình sự quy định khi tiến hành hỏi cung bị can phải tiến hành ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, VKSND hai cấp ở địa phương khó khăn về nguồn kinh phí để trang bị, đề nghị VKSND tối cao quan tâm hỗ trợ kinh phí hoặc trang bị hệ thống máy móc chuyên dụng để ghi, lưu hình ảnh, âm thanh trong quá trình tố tụng, nâng cao chất lượng công tác tố tụng.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng nêu kiến nghị: VKSND tối cao nghiên cứu sớm có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất để cụ thể hóa việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến cho ngành KSND. Đồng thời quy định chuẩn về các thiết bị để ghi âm, ghi hình có âm thanh phục vụ tốt cho công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự.

Về 2 ý kiến trên, VKSND tối cao trả lời cho rằng, hiện nay, VKSND tối cao đang triển khai đầu tư Dự án: “Cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong ngành KSND giai đoạn 2021 - 2024” để trang bị cho các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện và trong đó có VKSND tỉnh Quảng Ngãi, VKSND thành phố Hải Phòng. Quy định chuẩn về các thiết bị để ghi âm, ghi hình có âm thanh phục vụ tốt cho công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự được quy định tại Quyết định số 291/QĐ-VKSTC ngày 10/9/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quy định tiêu chuẩn kỹ thuật trang thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong ngành KSND.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi nêu kiến nghị về xử lý các trụ sở của ngành Kiểm sát dôi dư, không sử dụng: Hiện nay ngành KSND tỉnh Quảng Ngãi có 4 trụ sở dôi dư, không sử dụng, gồm: Trụ sở VKSND huyện Bình Sơn (cũ), Trụ sở VKSND huyện Sơn Tịnh (cũ), Trụ sở VKSND huyện Trà Bồng (cũ), Trụ sở VKSND huyện Tây Trà (cũ). Đề nghị VKSND tối cao xem xét, có chủ trương xử lý.

Nội dung này, VKSND tối cao trả lời: VKSND tối cao đã thực hiện lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất của các VKSND trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và lấy ý kiến UBND tỉnh tại Công văn số 2482/VKSTC-C3 ngày 23/6/2023. Ngày 19/7/2023 UBND tỉnh Quảng Ngãi có Công văn số 3398/UBND-KTTH về việc phúc đáp văn bản trên. Hiện nay VKSND tối cao đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp các cơ sở nhà đất theo thẩm quyền.

Trong khi đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đề nghị VKSND tối cao quan tâm xem xét, hỗ trợ kinh phí tổ chức và hoạt động cho ngành Kiểm sát tỉnh Hòa Bình nhằm đảm bảo các điều kiện cho VKSND hai cấp tỉnh Hòa Bình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo VKSND tối cao: Từ năm ngân sách 2022, ngành KSND được giao mức chi thường xuyên theo Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Ngoài ra, VKSND tối cao phân bổ kinh phí ngoài định mức chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù; bảo trì, sửa chữa trụ sở... kinh phí thực hiện “Đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021-2025”. Căn cứ nguồn ngân sách được giao, hàng năm VKSND tối cao xây dựng định mức và phương án phân bổ kinh phí cho các đơn vị trong toàn Ngành đã đảm bảo kinh phí cho các đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Năm 2024, VKSND tối cao tiếp tục bảo vệ dự toán với Bộ Tài chính và các bộ, ngành để tăng thêm nguồn kinh phí cho Ngành, trong đó có VKSND tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung và nâng mức bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa tại Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị trên, VKSND tối cao trả lời cho rằng: Chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp theo Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 thực hiện hơn 10 năm đến nay đã có những thay đổi về căn cứ pháp lý; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, mức chi bồi dưỡng không còn phù hợp với thực tế. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1144/VPCP-QHĐT ngày 14/2/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý các đề nghị của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, VKSND tối cao đã có Công văn số 4611/VKSTC-C3 ngày 29/11/2022 về việc đề nghị trình ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 5/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và TAND tối cao.

Hiện nay TAND tối cao đã tích hợp đề xuất, sửa đổi, bổ sung chế độ bồi dưỡng phiên tòa, phiên họp dân sự vào dự thảo Pháp lệnh chi phí tố tụng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. VKSND tối cao đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để trình thay thế quyết định nêu trên.

P.V