Công văn nêu rõ: VKSND tối cao nhận được công văn số 942/BDN ngày 6/11/2024 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội kèm theo kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình với nội dung: “Đề nghị VKSND tối cao tăng cường tổ chức các Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất là trong lĩnh vực hình sự đối với một số loại tội phạm mới, việc thu thập dữ liệu điện tử dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng... đa dạng hóa các hình thức đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phần mềm điện tử nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp".
Trên cơ sở, chức năng nhiệm vụ, VKSND tối cao có ý kiến như sau: Trong thời gian qua, VKSND tối cao quan tâm chỉ đạo tập trung đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên bằng nhiều hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
|
|
Lãnh đạo VKSND tối cao, các chuyên gia Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Việt Nam chủ trì Khoá tập huấn về “Điều tra, truy tố tội phạm trên không gian mạng” khu vực phía Bắc. (Ảnh minh hoạ) |
Cụ thể như: Kỹ năng tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kỹ năng thu thập, đánh giá chứng cứ, dữ liệu điện tử; kỹ năng chuyên sâu về kiểm sát xét xử trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính; kỹ năng xây dựng, ứng dụng sơ đồ tư duy trong kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ...
VKSND tối cao cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về chương trình hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tăng cường năng lực cho Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án mua bán người; kỹ năng điều tra tội phạm trên không gian mạng; kỹ năng thu thập, quản lý, sử dụng, đánh giá chứng cứ điện tử trong thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự; nâng cao năng lực kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án rửa tiền thông qua hình thức đánh bạc; kỹ năng điều tra, truy tố tội phạm trên không gian mạng; nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
Đồng thời, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm trật tự xã hội trong tình hình mới; kỹ năng xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; tổ chức cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong ngành Kiểm sát nhân dân”; tổ chức các khóa đào tạo chứng chỉ về quản trị mạng, an toàn thông tin mạng; đồng thời khuyến khích việc đào tạo tại chỗ, đào tạo qua thực tiễn công việc.
Trong thời gian 3 năm (từ năm 2022-2024), VKSND tối cao đã phối hợp với Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức được 25 cuộc Hội thảo tập huấn “Kỹ năng tìm kiếm, thu thập và sử dụng chứng cứ điện tử trong giải quyết vụ án hình sự”.
Cũng theo Công văn, trong thời gian tới, VKSND tối cao tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong quản lý chỉ đạo điều hành và quản lý công tác nghiệp vụ. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, trong đó tập trung nhận diện phương thức thủ đoạn mới của tội phạm truyền thống có sử dụng công nghệ cao; kỹ năng tìm kiếm, thu thập, bảo quản phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử và sử dụng, đánh giá chứng cứ điện tử; kỹ năng đánh giá, phân tích, giám định, chuyển hóa chứng cứ điện tử trong các vụ án liên quan đến tội phạm sử dụng mạng, công nghệ thông tin, truyền thông.
Ngoài ra, VKSND tối cao cũng chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu và đào tạo nâng cao về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án sử dụng công nghệ cao (tiền ảo, mã độc tống tiền, tội phạm lừa đảo trên mạng). Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao.