TAND tối cao vừa có dự thảo báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014. Theo đó, Luật Phá sản năm 2014 được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, thay thế cho Luật Phá sản năm 2004. Luật Phá sản 2014 đã khắc phục những bất cập, hạn chế về thủ tục giải quyết các vụ việc phá sản của Luật Phá sản năm 2004, đồng thời tạo hành lang pháp lý để Tòa án giải quyết hiệu quả hơn việc phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. 

Sự ra đời của Luật Phá sản 2014 góp phần tăng cường pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Hợp tác xã, người lao động, chủ nợ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hợp tác xã đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường, góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự lưu thông vốn trong nền kinh tế thị trường, thu hút đầu tư và tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai và thực hiện Luật Phá sản 2014 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là những vấn đề về thủ tục phục hồi; thủ tục phá sản doanh nghiệp; về thẩm quyền Tòa án; về thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã có đủ điều kiện luật định; về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; về hòa giải trong giải quyết phá sản; về giải quyết phá sản có yếu tố nước ngoài…

leftcenterrightdel
 Hội thảo lấy ý kiến về những chính sách lớn trong đề xuất xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) do TAND tối cao tổ chức. (Ảnh minh hoạ)

Để có cơ sở vững chắc cho việc đề xuất xây dựng Luật Phá sản 2014 (sửa đổi), TAND tối cao đã tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành và xây dựng Báo cáo Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản 2014. 

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến tháng 12/2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cho 2.073 trường hợp, hiện nay, cả nước có hơn 300 Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân; hơn 70 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đang hoạt động. Số lượng Quản tài viên hành nghề từ nguồn luật sư chiếm 60%, từ nguồn kiểm toán viên chiếm 10%, từ nguồn khác chiếm 30%.

Kết quả giải quyết vụ việc phá sản của TAND thể hiện, tính từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/9/2023, các TAND đã thụ lý 1.510 vụ việc phá sản. Trong số những vụ việc đã giải quyết, Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với 554 vụ việc; trả lại đơn 66 vụ việc (trong đó có 1 vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Hợp tác xã do đương sự rút đơn nên Tòa án đã trả lại đơn yêu cầu); ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với 234 vụ việc; ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, Hợp tác xã phá sản đối với 150 vụ việc, trong đó 44 vụ việc là tuyên bố doanh nghiệp, Hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn; ra quyết định đình chỉ thủ tục phá sản đối với 49 vụ việc. Số quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản đã bị đề nghị xem xét lại, kháng nghị là 12; số quyết định tuyên bố phá sản đã bị đề nghị xem xét lại là 14. Số vụ việc đã áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh là 6 vụ việc.

Cũng theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2023, tổng số tiền và tỉ lệ thi hành xong các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản tăng lên qua các năm. Nếu như năm 2015 tổng các Cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 42 vụ việc với số tiền phải thi hành là 305 tỉ; trong đó, có 13 vụ việc với 155 tỉ có điều kiện để thi hành thì tỉ lệ thi hành xong là 84,62% vụ việc với số tiền thi hành được chiếm 56,51%. Đến năm 2023, tổng các Cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 324 vụ việc với số tiền phải thi hành là 2.198,8 tỉ; trong đó, có 202 vụ việc với 1.710,5 tỉ có điều kiện để thi hành thì tỉ lệ thi hành xong là 31,68 vụ việc nhưng số tiền thi hành được chiếm 87,90%.

Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật Phá sản 2014, theo TAND tối cao, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và pháp luật có liên quan theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định của Luật phá sản. 

Cụ thể, sửa đổi, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Hợp tác xã; sửa đổi, hoàn thiện thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã; nghiên cứu, quy định về thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định nâng cao vai trò và trách nhiệm của Quản tài viên trong giải quyết phá sản; hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản; đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia giải quyết vụ việc phá sản và chuẩn bị các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu giải quyết phục hồi, phá sản doanh nghiệp, Hợp tác xã.

Tại dự thảo Báo cáo của TAND tối cao, theo kiến nghị của VKSND tối cao về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, cần nghiên cứu, quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ việc phá sản phù hợp với Luật Tổ chức TAND năm 2024 và Luật Tổ chức VKSND.
P.V