VKSND có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác PCTN

Ông Phạm Vũ Thắng cho biết, Luật PCTN năm 2018 có nhiều quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, đơn vị nói chung, đồng thời có những quy định về trách nhiệm của VKSND nói riêng. Là một trong những cơ quan bảo vệ pháp luật, VKSND có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác PCTN. VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi tham nhũng; đảm bảo các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng và thi hành án một cách nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Là một trong những cơ quan thuộc bộ máy nhà nước, VKSND có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Luật PCTN trong nội bộ Ngành, phải không ngừng nâng cao hiệu quả công tác và xây dựng nội bộ Ngành trong sạch, vững mạnh. 

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua, VKSND tối cao đã tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt quy định về PCTN gắn với việc triển khai thi hành các đạo luật mới, nhiệm vụ chính trị của Ngành; nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên ngành KSND, xác định rõ hơn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ của ngành KSND trong công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng. VKSND đã kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra VKSND tối cao, thanh tra VKSND cấp cao và cấp tỉnh, giao Thanh tra làm đầu mối giúp Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tổ chức thực hiện công tác PCTN của Ngành; tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo, bố trí Kiểm sát viên có đủ bản lĩnh và năng lực thực hiện nhiệm vụ. Viện trưởng VKSND tối cao giao Cơ quan Điều tra VKSND tối cao xây dựng đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của VKSND”. 

leftcenterrightdel
Đồng chí Phạm Vũ Thắng, Phó Chánh Thanh tra VKSND tối cao, tham luận tại Hội nghị. 

Đặc biệt, trong những năm gần đây, VKSND tối cao đã ban hành nhiều chỉ thị công tác nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Ngành; chỉ đạo các đơn vị trong Ngành tăng cường thanh tra nghiệp vụ, coi trọng tự kiểm tra nội bộ, tự khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII gắn với tiếp tục triển khai cuộc vận động“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Điều đáng nói, để triển khai Luật PCTN năm 2018, ngày 22/3/2019, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-VKSTC về tăng cường công tác PCTN trong ngành KSND và ngày 15/5/2019, ban hành Kế hoạch số 93/KH-VKSTC triển khai thi hành Luật PCTN. 

7 nhóm công tác phòng ngừa tham nhũng

Ông Phạm Vũ Thắng cho biết, Kế hoạch triển khai Luật PCTN số 93/KH-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, Viện trưởng VKSND, thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKS quân sự triển khai thực hiện những nhóm công tác trọng tâm trong phòng ngừa tham nhũng và nhóm công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. 

Theo đó, nhóm công tác trong phòng ngừa tham nhũng bao gồm 7 công tác: Thứ nhất, tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Luật PCTN năm 2018 với những cách thức thiết thực, phù hợp với từng địa phương, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị.

Thứ hai, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là việc thực hiện các quy định về công khai trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, công tác tổ chức cán bộ. Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời đúng trình tự, thủ tục quy định. Thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hằng năm, trong chương trình công tác của cơ quan, đơn vị có nội dung thực hiện Luật PCTN, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ; nêu cao tính gương mẫu của người đứng đầu đơn vị trong công tác PCTN, lãng phí.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn của công chức, viên chức, người lao động cho phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai thực hiện trong toàn Ngành. Viện trưởng VKSND các cấp chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ; thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tăng cường công tác quản lý ngân sách và sử dụng hiệu quả kinh phí của đơn vị.

Thứ tư, thực hiện kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập kịp thời, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục; quản lý, sử dụng, khai thác Bản kê khai tài sản, thu nhập và kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai, công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập trong đơn vị do mình quản lý theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, thủ trưởng các đơn vị trong Ngành quán triệt công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình thực hiện nghiêm túc quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2010; Luật Viên chức năm 2012; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND…

leftcenterrightdel
Đồng chí Phạm Duy Hải, quyền Chánh Thanh tra VKSND tối cao chỉ đạo công tác nghiệp vụ với cấp dưới. Ảnh: Văn Tình 

Thứ sáu, trong công tác tổ chức cán bộ, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức và người lao động, VKSND, VKS quân sự các cấp cần tăng cường công tác quản lý công chức, viên chức, người lao động; thực hiện công khai dân chủ trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ, Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007.

Thứ bảy là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm công khai thủ tục hành chính khi giải quyết công việc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, sách nhiễu hoặc có hành vi tiêu cực khác đối với tổ chức, cá nhân, nhân dân khi giải quyết công việc. Tăng cường công tác quản lý hành chính, văn phòng, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.

3 nhóm công tác phát hiện và xử lý tham nhũng

Lãnh đạo Thanh tra VKSND tối cao cho biết, nhóm công tác phát hiện và xử lý tham nhũng theo Kế hoạch triển khai Luật PCTN của Viện trưởng VKSND tối cao gồm 3 công tác: Một là, tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tội tham nhũng. Theo đó, VKSND, VKS quân sự các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng; tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo; nâng cao trách nhiệm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), VKSND tối cao chủ trì thực hiện việc tổng hợp báo cáo định kỳ tiến độ việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế và những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Hai là, tăng cường công tác điều tra đối với tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Cơ quan Điều tra VKSND tối cao, Cơ quan Điều tra VKS quân sự Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan Điều tra, Tòa án, VKSND, Cơ quan Thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, khẩn trương điều tra, kết luận để đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật...

Ba là tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về PCTN. Theo đó, Viện trưởng VKSND các cấp, Viện trưởng VKS quân sự các cấp tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng xảy ra hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách.

Thanh tra VKSND chủ động tham mưu cho Viện trưởng VKSND cấp mình trong việc tổ chức thực hiện công tác PCTN; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý hành vi tham nhũng; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật và của Ngành về PCTN, đề xuất xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo. Đồng thời, theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả công tác PCTN trong ngành KSND theo quy định.

Ngoài các nội dung trên, theo Thanh tra VKSND tối cao, Kế hoạch triển khai Luật PCTN của Viện trưởng VKSND tối cao còn đề cập đến nhóm các công tác khác, gồm các nội dung như: Rà soát các quy định của Ngành liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp với Luật PCTN năm 2018; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN; đồng thời, thực hiện công tác hợp tác quốc tế về PCTN.

P.V