leftcenterrightdel
Một buổi tiếp công dân tại VKSND tối cao. 

Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định tương đối cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, các hoạt động của Viện kiểm sát. Qua 6 năm thực hiện, các cấp kiểm sát đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Bên cạnh công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát các cấp còn thực hiện tốt các công tác khác như: Công tác thống kê tội phạm, nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác quốc tế, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các công tác khác. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cho thấy, một số công tác cũng rất quan trọng nhưng không được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014 cũng như các văn bản pháp luật trước đây, một số quy định không còn phù hợp cần được sửa đổi, bổ sung.

Thứ nhất, tại điểm h khoản 2 Điều 6 Mục 8 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 (từ Điều 29 đến Điều 31) quy định công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, nhưng không quy định công tác tiếp công dân, trong khi tiếp công dân là công tác quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, và thực tế, tất cả các cơ quan nhà nước, trong đó có VKSND thực hiện công tác tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013.

Thứ hai, tại điểm b khoản 3 Điều 6 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định “3. Các công tác khác của Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

a) Thống kê tội phạm; xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế và các công tác khác để xây dựng Viện kiểm sát nhân dân”.

Mục 10 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 (từ Điều 34 đến Điều 39) quy định cụ thể về công tác thống kê tội phạm và các công tác khác gồm: Công tác thống kê tội phạm, nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác quốc tế, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Không quy định một số công tác quan trọng mà các cấp kiểm sát đang thực hiện như: Công tác văn phòng, công tác tài chính, công tác thi đua, khen thưởng, công tác công nghệ thông tin, công tác báo chí, công tác tổ chức cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra.

Trong khi đó, ngoài công tác thống kê tội phạm, Viện kiểm sát các cấp còn phải thực hiện công tác thống kê thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thống kê tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, tại VKSND tối cao có Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, một số VKSND cấp tỉnh có Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, các VKSND cấp tỉnh không có Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin thì công tác thống kê tội phạm và công nghệ thông tin thuộc văn phòng. Công tác văn phòng là công việc thường xuyên, khó khăn, phức tạp với nhiều hoạt động như: tham mưu, tổng hợp, hậu cần phục vụ, xây dựng cơ bản.... Công tác thi đua, khen thưởng cũng được tổ chức thực hiện thường xuyên, tại VKSND tối cao có Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Vụ Thi đua - Khen thưởng thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Ngành, tại VKSND tỉnh có Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thuộc Văn phòng tổng hợp.

Ngành Kiểm sát có Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Trang thông tin điện tử VKSND tối cao, Tạp chí Khoa học kiểm sát thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động của Ngành, nghiên cứu, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, nêu gương người tốt, việc tốt... Công tác tổ chức cán bộ hiện nay được Viện trưởng VKSND tối cao xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; công tác thanh tra, kiểm tra góp phần chấn chỉnh những thiếu sót, vi phạm, xây dựng ngành Kiểm sát vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
Cán bộ, công chức ngành KSND đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Ảnh: VKSND tỉnh Cao Bằng 

Thứ ba, khoản 1 Điều 48 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định: “1. Tổ chức bộ máy của VKSND cấp huyện gồm có văn phòng và các phòng; những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc. Ngày 1/6/2020, Viện trưởng VKSND tối cao có Quyết định số 189/QĐ-VKSTC ban hành Quy định cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức của VKSND các cấp quy định cụ thể cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý và công chức của VKSND cấp huyện, tuy nhiên, cũng không quy định rõ thẩm quyền quyết định thành lập bộ phận, phòng, thẩm quyền bổ nhiệm, tên gọi chức vụ (ví dụ: Chánh Văn phòng, Trưởng phòng, Trưởng Bộ phận) và chế độ phụ cấp chức vụ đối với các chức vụ trên.

Thứ tư, một số công tác chưa được quan tâm nhiều, chế độ công tác chưa phù hợp. Hiện nay, công tác văn thư, lưu trữ tại VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện đa số là công tác kiêm nhiệm, cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ít được tập huấn bồi dưỡng về văn thư, lưu trữ, trong khi đây là công tác đòi hỏi phải có chuyên môn nghiệp vụ về văn thư, lưu trữ, cán bộ lưu trữ của các đơn vị cấp phòng và VKSND cấp huyện thường do các cán bộ mới vào Ngành thực hiện, thường xuyên thay đổi nên công tác lưu trữ còn nhiều hạn chế. Công tác quy hoạch, xây dựng trụ sở làm việc chưa gắn với yêu cầu về công tác lưu trữ, hiện nay, chưa có đơn vị nào xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng theo quy định của Chính phủ, hai cấp đều thực hiện lưu trữ trong các kho lưu trữ tạm, hồ sơ đến hạn nộp lưu vẫn còn nhiều tại các phòng nghiệp vụ do các kho lưu trữ tạm không còn chỗ. Chế độ đối với cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ, cán bộ làm công tác thống kê, công nghệ thông tin chưa được quan tâm.

Thứ năm, công tác đào tạo bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị chưa được tăng cường, hiện nay, lực lượng Kiểm sát viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị còn chiếm tỉ lệ lớn, nhất là cán bộ thuộc diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp huyện. Công tác văn phòng ít được đào tạo, bồi dưỡng, không có chế độ đãi ngộ, thu hút cán bộ làm công tác văn phòng.

Thứ sáu, Điều 74 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định: “Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Tuy nhiên, trong thực tiễn, tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND tỉnh có nhiều Kiểm sát viên không trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đó là những Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị như: tổ chức cán bộ, văn phòng, thanh tra, trường học, báo, tạp chí Ngành. Do đòi hỏi nhiều vị trí công tác phải là Kiểm sát viên mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, ví dụ: Tại đơn vị Văn phòng tổng hợp thuộc VKSND tỉnh có Chánh Văn phòng là người trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Viện trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thành viên Ủy ban Kiểm sát, nếu không là Kiểm sát viên thì không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra, bên cạnh đó, bộ phận tham mưu, tổng hợp cũng cần phải có Kiểm sát viên mới thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thiết nghĩ, đối với các Kiểm sát viên trung cấp công tác tại các đơn vị như: Phòng Tổ chức cán bộ, Văn phòng, Thanh tra, ngoài nhiệm vụ được phân công, lãnh đạo Viện có thể phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, trực nghiệp vụ, kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi... để thực hiện đúng quy định tại Điều 74 Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Thứ bảy, về thẩm quyền ký các văn bản hành chính tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện không được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và văn bản khác. Ví dụ: việc ký các quyết định thành lập các ban, hội đồng, nội quy, quy chế, quy định, quy chế phối hợp liên ngành để tổ chức thực hiện trong tỉnh, huyện.

Thứ tám, về quy định phụ cấp thâm niên nghề đối với công chức ngành Kiểm sát theo Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán, Thanh tra, Thi hành án dân sự và Kiểm lâm, trong đó các cơ quan tư pháp gồm có Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án. Tuy nhiên, cùng làm công tác pháp luật, thời gian công tác tương đương nhau nhưng Thư ký Tòa án và Thư ký Thi hành án được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp chức danh thư ký, trong khi đó, Chuyên viên nghiệp vụ Viện kiểm sát thì không được hưởng các chế độ trên, đây là một bất cập lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của Chuyên viên Viện kiểm sát.

Thứ chín, về chế độ trực nghiệp vụ ngoài giờ hành chính: theo Quyết định số 985/2007/QĐ-VKSTC-V11 ngày 27/9/2007 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành chế độ bồi dưỡng trực nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân, mức chi bồi dưỡng trực nghiệp vụ 30.000 đồng/đêm, 20.000 đồng/ngày, quyết định này được ban hành tại thời điểm mức lương cơ bản là 450.000 đồng, đến nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng (áp dụng từ 01/7/2019). Đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu tăng mức bồi dưỡng trực nghiệp vụ cho phù hợp hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tính theo chế độ làm thêm giờ để bảo đảm chế độ và trách nhiệm của công chức khi trực nghiệp vụ.

Thứ mười, về giấy chứng minh Kiểm sát viên: Giấy chứng minh Kiểm sát viên được cấp cho Kiểm sát viên để thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, một số nơi khi đến làm việc phải xuất trình giấy giới thiệu và giấy chứng minh Kiểm sát viên (như trại giam, trại tạm giam...). Trong khi đó, giấy chứng minh Kiểm sát viên hiện nay ghi rõ nơi công tác, ví dụ: Kiểm sát viên sơ cấp VKSND huyện X, nhưng khi điều động Kiểm sát viên VKSND huyện X đến VKSND huyện Y thì phải làm thủ tục đổi Giấy chứng minh Kiểm sát viên, mất thời gian dài, khi đi công tác thì giấy giới thiệu là huyện Y và Giấy chứng minh Kiểm sát viên  là huyện X.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thiết nghĩ, VKSND tối cao cần nghiên cứu, sửa đổi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định trên cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Dương Thanh Quang