|
|
Đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông báo cáo về công tác thanh tra. |
Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Nghiêm Trọng Tân, Kiểm sát viên cao cấp, Trưởng Phòng Thanh tra VKSND tối cao; Trần Thu Hằng, Kiểm tra viên cao cấp, Thanh tra VKSND tối cao; Mai Thị Xuân Hồng, KSV trung cấp, Phó Trưởng phòng Phòng Giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng Thanh tra VKSND tối cao; Tạ Đình Đề - Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông; các đồng chí lãnh đạo, Trưởng Phòng VKSND tỉnh cùng toàn thể công chức và người lao động VKSND tỉnh Đắk Nông.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Thu Hằng, Kiểm tra viên cao cấp, Thanh tra VKSND tối cao đã trình bày Hướng dẫn số 15/HD-VKSTC ngày 27/6/2024 của Viện trưởng VKSND tối cao Hướng dẫn việc xác định trách nhiệm của VKS khi Bản án, quyết định của Tòa án bị hủy sửa và kháng nghị của VKS không được Tòa án chấp nhận trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự.
Tiếp đó, đồng chí Mai Thị Xuân Hồng, KSV trung cấp, Phó Trưởng phòng Phòng Giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng Thanh tra VKSND tối cao trình bày một số lưu ý khi kiểm tra, xác minh tài sản thu nhập phòng ngừa tham nhũng tiêu cực.
Hội nghị cũng được lắng nghe trình bày một số tham luận trao đổi phương pháp kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng; một số nội dung cần lưu ý về công tác thanh tra…
|
|
Đồng chí Nghiêm Trọng Tân, Kiểm sát viên cao cấp, Trưởng Phòng Thanh tra VKSND tối cao phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nghiêm Trọng Tân, Kiểm sát viên cao cấp, Trưởng Phòng Thanh tra VKSND tối cao đánh giá, thời gian qua VKSND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực, đạt được nhiều thành tích và được lãnh đạo VKSND tối cao tin tưởng, yên tâm. Kết quả này có sự đóng góp nhiều của Thanh tra VKSND tỉnh Đắk Nông, đã kịp thời tham mưu Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Đồng chí Trưởng Phòng Thanh tra VKSND tối cao đề nghị các đồng chí trong quá trình triển khai thực hiện cần tuân thủ đúng các quy định của Đảng, Nhà nước, chủ động sáng tạo để hiệu quả. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ đề nghị báo cáo về Thanh tra VKSND tối cao để xem xét báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao.
Vừa qua tại Hội nghị triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Hội nghị triển khai công tác quý 2/2024 và tại buổi làm việc với Thanh tra VKSND tối cao (theo Thông báo số 110/TB-VKSTC ngày 29/5/2024 của VKSND tối cao), Viện trưởng VKSND tối cao có lưu ý một số nội dung, trong đó có công tác thanh tra. Do đó, đề nghị đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
Giao đơn vị Thanh tra chủ động nắm bắt thông tin để lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Tiến hành thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Không đặt mục tiêu để phát hiện, xử lý sai phạm, mà mục đích chính là để cảnh báo, phòng ngừa, răn đe, nhắc nhở, uốn nắn, “trị bệnh cứu người”; qua thanh tra, kiểm tra làm rõ bản chất sự việc, xử lý nghiêm sai phạm do cố ý, ngoan cố, quanh co, né tránh, không thành khẩn; trường hợp do lỗi vô ý, tai nạn nghề nghiệp, đã thành khẩn, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền, tích cực có biện pháp khắc phục hậu quả cần xem xét giảm nhẹ trách nhiệm, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động trong Ngành yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Yêu cầu Viện trưởng VKSND thành phố, VKSND các huyện, thị xã và các Trưởng phòng quan tâm công tác tự đào tạo cho đội ngũ công chức thuộc quyền quản lý; chịu trách nhiệm về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tại cơ quan, đơn vị mình, chú trọng công tác kiểm tra và tự kiểm tra. Các kết luận kiểm tra phải được gửi đến đơn vị Thanh tra để theo dõi, tổng hợp. Nếu để xảy ra vi phạm thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành.
Quan tâm, ưu tiên bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra có năng lực, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật cao; có trách nhiệm, kinh nghiệm, tâm huyết với công tác thanh tra; không ngại va chạm, nể nang, né tránh; có có cơ chế ưu tiên trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức làm công tác thanh tra.