Công văn số 3538/VKSTC-V2 ngày 29/8/2023 nêu rõ, VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023; nội dung: “Đề nghị giao VKSND các tỉnh, thành phố sàng lọc chéo các đơn thư tố giác, có sự tham gia của VKSND cấp cao”.

Kiến nghị này, theo trả lời của VKSND tối cao: Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan đã có những quy định cụ thể về hoạt động của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để bảo đảm việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kịp thời, đầy đủ, chặt chẽ, chống bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. 

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng đã có các quy định về công tác theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của ngành Kiểm sát nhân dân theo nguyên tắc Viện kiểm sát cấp trên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát cấp dưới. 

Vì vậy, theo VKSND tối cao, việc sàng lọc chéo đơn thư, tố giác giữa các VKSND tỉnh, thành phố là không phù hợp nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát các cấp. 

Mặt khác, VKSND cấp cao thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, không thực hiện chức năng kiểm sát tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nên sự tham gia của VKSND cấp cao trong việc sàng lọc chéo đơn thư, tố giác giữa các VKSND tỉnh, thành phố là không phù hợp. 

Thời gian tới trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, VKSND tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong thực tiễn.

P.V