Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án về ma tuý đang vận dụng các quy định hướng dẫn theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 (Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT), Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 (Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT). Tuy nhiên, gần đây TAND tối cao phát hành các Công văn giải đáp về nghiệp vụ có một số nội dung chưa phù hợp với Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT về xem xét xử lý hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Cụ thể là:

Tại điểm 1 mục I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TAND tối cao (Công văn số 89/TANDTC-PC) về việc giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử có nội dung hướng dẫn:

1. Đối tượng có hành vi đưa ma túy cho người khác sử dụng, nhưng không phát hiện có người chỉ huy, phân công, điều hành đối tượng để đưa ma túy cho người khác sử dụng. Vậy trường hợp này có xử lý đối tượng là người trực tiếp đã cung cấp ma túy cho người khác về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hay không?

Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.” Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm). Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Sơn La kiểm sát việc niêm phong, lấy mẫu tang vật một vụ án ma tuý. Ảnh Trung Hiếu. 

Và tại điểm 7 mục I Công số 02/TANDTC-PC ngày 2/8/2021 của Toà án nhân dân tối cao (Công văn số 02/TANDTC-PC) về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử có nội dung hướng dẫn:

7. A là người đi mua ma túy về (B không biết A mua ma túy). Sau đó A và B đến nhà C chơi. Khi đến nhà C, A mới bỏ ma túy ra và bảo “ai chơi thì chơi”. Lúc này cả 3 người cùng sử dụng ma túy, sau đó D đến nhà C và thấy ma túy trên bàn nên đã tự lấy sử dụng. A, B, C và D đều là người nghiện ma túy. Vậy A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không?

Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TAND tối cao về giải đáp nghiệp vụ thì: "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Trong trường hợp này, A là người cung cấp ma túy cho B, C, D để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, tại mục 16.2 văn bản số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của Vụ pháp chế và quản lý khoa học VKSND tối cao hướng dẫn như sau:

“16.2. Khoản 1 Điều 255 Bộ luật hình sự quy định “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”. Như vậy, bất kể người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đều là chủ thể của tội phạm, không loại trừ trường hợp đó là người nghiện ma tuý. Ngoài ra, tham khảo hướng dẫn tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Toà án nhân dân tối cao về việc giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử thì… “hành vi cung cấp ma tuý cho người khác sử dụng là một trong các hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 BLHS”. Do vậy, người nghiện ma tuý có hành vi cung cấp chất ma tuý cho người nghiện ma tuý khác sử dụng tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

Như vậy, các hướng dẫn tại Công văn số 89/TANDTC-PC, Công văn số 02/TANDTC-PC và văn bản số 5442/VKSTC-V14 như đã nêu trên không đúng với quy định của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT đối với hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” khi đều xác định hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là thực hiện một trong các hành vi như: Bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy.

leftcenterrightdel
 Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang một nhóm đối tượng sử dụng trái phép ma tuý. Ảnh CA cung cấp.

Trong khi tiết 6.1 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT quy định hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý phải là một trong chuỗi các hành vi gồm: 

- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

- Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy

Tác giả bài viết cho rằng trong quá trình giải quyết các vụ án về ma tuý cần vận dụng thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT, Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT của liên ngành Trung ương để xác định hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự năm 2015 phải là các hành vi được quy định cụ thể theo tiết 6.1 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT; không được xác định hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là một trong các hành vi như: Bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy như theo hướng dẫn của các Công văn số 89/TANDTC-PC, Công văn số 02/TANDTC-PC để xem xét khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.

Các công văn giải đáp nghiệp vụ như đã nêu trên mới được ban hành và có những nội dung không phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT sẽ gây ra nhiều quan điểm khác nhau trong việc nhận thức và áp dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hướng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án ma tuý.

Tác giả rất mong nhận được ý kiến tham gia góp ý của các đồng nghiệp; sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của liên ngành Cơ quan Cảnh sát điều tra, VKSND, TAND tỉnh Hải Dương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như đã nêu trên.

Đỗ Thị Loan (VKSND TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương)