Đây là một trong những giải pháp nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.

Theo Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã tham mưu, đề xuất, chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương thực hiện một số giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Nhiều nhóm giải pháp được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt

Cụ thể như: tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK). Theo đó, chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu kèm các danh sách cán bộ, số điện thoại từ cấp Tổng cục, Cục Hải quan đến cấp Chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của người khai hải quan, đảm bảo hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hoá.

Cho phép Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng hóa từ Cảng Cát Lái đến các khu vực cảng biển/cảng cạn trong cùng hệ thống cảng biển của Tổng Công ty trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để giải tỏa tình trạng ùn tắc, quá tải tại cảng Cát Lái và hỗ trợ các doanh nghiệp có thể thực hiện thông quan hàng hóa ngay trên địa phương mình mà không phải di chuyển đến TP.HCM để nhận hàng.

Ngoài ra, hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng.

Đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ): Tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật, các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác thu thập thông tin, đánh giá rủi ro để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích thông tin đối với các chuyên đề được giao; mở rộng điều tra, xác minh đối với các vụ việc giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ, EU, Ấn Độ để xây dựng kế hoạch định hướng KTSTQ; chuẩn bị kỹ kế hoạch kiểm tra khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2021.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như: Khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đóng gói gia cố bao bì, phân loại hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan hải quan... không làm thay đổi xuất xứ, nguồn gốc; Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp;

Tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có hoạt động XNK qua địa bàn nắm bắt, hiểu biết đầy đủ các chủ trương, chính sách của phía Trung Quốc để chủ động điều tiết hàng hóa, quyết định loại hình mua bán, lựa chọn cửa khẩu, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện tham gia hoạt động XNK để không bị động, bất ngờ, thua thiệt trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới.

Bên cạnh đó, thực hiện nhóm giải pháp thông quan nhanh đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc xin và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch: Cho phép doanh nghiệp được đưa các lô hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt như thuốc, vắc xin, sinh phẩm…yêu cầu nhiệt độ bảo quản từ 20C-80C về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp; Chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan.

Về chính sách thuế và thu, nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, đã triển khai đẩy mạnh chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng thương mại, thực hiện chương trình nộp thuế 24/7. Ngoài ra, tiếp tục triển khai Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu, giúp cho doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ khả năng tài chính. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã thực hiện ký thỏa thuận và triển khai nộp thuế điện tử với 44 ngân hàng phối hợp thu.

Cùng với đó, còn triển khai giải pháp về xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động XNK trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như: đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, trong đó có đề xuất sửa Điều 47, Điều 61 Luật Hải quan về thời hạn lưu giữ đối với hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế và hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan, theo hướng cho phép hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan được tiếp tục lưu giữ trong trường hợp xảy ra dịch bệnh theo công bố của cơ quan, người có thẩm quyền đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch và được thực hiện gia hạn một lần không quá 12 tháng, kể từ thời điểm công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt khác phát sinh giao Chính phủ quy định. Đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan, khi xuất khẩu chỉ được xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Nguyễn Anh