Trong khuôn khổ bài viết TS Trần Tú Anh, Giảng viên Học viện ANND và Trần Mạnh Hiếu - Học viên Học viện ANND bước đầu nghiên cứu, làm rõ một số nhận thức về cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử như: khái niệm, mục tiêu, yêu cầu, nội dung và cơ sở chính trị pháp lý của công tác này, từ đó góp phần làm rõ nhận thức về vấn đề này.

1. Một số khái niệm

 Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, năm 2005, Nxb Đà Nẵng, thuật ngữ “cấp” được hiểu là: “Giao cho hưởng, giao cho toàn quyền sử dụng”; thuật ngữ “sử dụng” được hiểu là: “Lấy làm phương tiện để phục vụ nhu cầu, mục đích nào đó” [5].

Căn cước công dân được hiểu là: là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này” [4]. Theo đó, CCCD gắn chíp điện tử là CCCD nhưng được gắn thêm một mã QR nằm ở góc trên mặt trước của thẻ và con chíp ở mặt sau thẻ. Hai thành phần này giúp thẻ CCCD có thể tích hợp thêm các thông tin cá nhân như: hộ khẩu, bảo hiểm, bằng lái xe…; mã hóa các dữ liệu cá nhân cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, đặc điểm nhận dạng. Căn cước công dân gắn chíp điện tử chính là thẻ CCCD phiên bản tối ưu hơn, hiện đại hơn với nhiều tiện ích vượt trội hơn, tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Mẫu Căn cước công dân gắn chíp điện tử.

 Người được cấp thẻ Căn cước công dân: “Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân” [4]. Như vậy, điều kiện để được cấp CCCD gắn chíp điện tử là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

Cơ quan có quyền cấp CCCD gắn chíp điện tử là: “Thủ trưởng cơ quan quản lý Căn cước công dân của Bộ công an có quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân” [4]. Theo đó, thẩm quyền cấp CCCD gắn chíp điện tử là lực lượng Công an nhân dân, trong đó lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (LLCS QLHC về TTXH) là lực lượng nòng cốt.

Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được hiểu là: “là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” [4].

Từ những phân tích ở trên có thể hiểu cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử:

 Là việc lực lượng Công an tổ chức lực lượng, sử dụng phương tiện, biện pháp theo quy định của pháp luật và phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan cung cấp cho công dân thẻ căn cước gắn chíp điện tử và khai thác, sử dụng các dữ liệu thông tin của Căn cước công dân nhằm nâng cao năng lực quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng về dân cư, phục vụ yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Từ cách hiểu khái niệm về cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử có thể thấy:

Chủ thể tiến hành cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử là lực lượng Công an nhân dân mà trực tiếp là lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Theo sự phân công hiện nay, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là lực lượng chuyên trách trong công tác này và phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan trong hệ thống chính trị để cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử.

Mục đích của công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử là nâng cao năng lực quản lý và xây dựng cơ sở hạ tầng về dân cư, phục vụ yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn LLCS QLHC về TTXH các cấp tiến hành tiếp nhận hồ sơ, rà soát, xác minh, tra cứu thông tin của công dân qua đó xây dựng cơ sở hạ tầng về dân cư. Trên cơ sở dữ liệu về dân cư, lực lượng Công an chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước; cấp ủy chính quyền các cấp; phối hợp với các cơ quan, ban ngành và tổ chức lực lượng, sử dụng phương tiện, biện pháp nhằm bảo vệ an ninh, trật tự.

leftcenterrightdel
 Một số giấy tờ thay thế bằng CCCD gắn chíp điện tử.

2. Mục tiêu của công tác cấp và sử dụng dữ liệu Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Một là, chuẩn hóa, thống nhất về dữ liệu dân cư và giảm tải thủ tục hành chính

Hiện nay, ở nước ta việc quản lý dân cư mang tính đơn lẻ, từng bộ, ngành quản lý, theo dõi riêng biệt. Để phục vụ công tác quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, đồng thời bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng bộ, ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một số loại giấy tờ nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (giấy khai sinh, CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ...). Cùng với việc cấp các giấy tờ cho công dân, việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu. Từ việc quản lý đơn lẻ dẫn tới gây lãng phí về kinh tế, nguồn nhân lực, khi thực hiện thủ tục hành chính người dân phải mất thời gian đi sao, chứng thực các giấy tờ để chứng minh nhân thân, trong khi những loại giấy tờ liên quan đều chỉ sử dụng chung những thông tin về công dân giống nhau.

Hai là, xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư

Thông qua việc cấp CCCD gắn chíp điện tử LLCS tổ chức thu thập thông tin, lý lịch trích ngang của công dân (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại). Trên cơ sở đó, LLCS cập nhật thông tin của công dân vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân, tàng thư, cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu về hộ tịch và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác qua việc chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư. Trên cơ sở đó, LLCS tập hợp các thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch cơ quan, tổ chức, cá nhân. Về bản chất chính là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy có thể thấy, xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư chính là mục tiêu cao nhất của công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp nhằm hướng tới mục tiêu chuyển đổi số và Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

leftcenterrightdel

 CBCS Công an tỉnh Sơn La về tận thôn bản làm CCCD gắn chíp điện tử cho người dân.

Ảnh Trung Hiếu

Ba là, nâng cao năng lực quản lý dân cư và hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc sẽ cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và biến động dân cư...). Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, nâng cao năng lực quản lý dân cư và hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm là một mục tiêu của công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử.

3. Yêu cầu của công tác cấp và sử dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Để đạt được những mục tiêu trên, công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử phải bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ, cụ thể:

Yêu cầu chính trị: công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD phải luôn quán triệt, thực hiện và phục vụ các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước. Công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước và sự giám sát của toàn dân. Đồng thời công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử phải nhằm nâng cao năng lực quản lý dân cư, đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vững mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, công tác này phải góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Yêu cầu pháp luật: công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong tổ chức các mặt công tác nghiệp vụ cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Đồng thời, công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử phải bảo đảm các yêu cầu theo các quy định của Bộ Công an.

leftcenterrightdel

 Qua việc rà soát, làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử, Công an quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội phát hiện, vận động một đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú. Ảnh: Báo CAND.

4. Nội dung công tác cấp và sử dụng dữ liệu Căn cước công dân gắn chíp điện tử bao gồm hai nhóm công tác chủ yếu, cụ thể:

Một là, tổ chức, phối hợp lực lượng trong cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử

Lực lượng chuyên trách làm công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử là LLCS QLHC về TTXH được bố trí từ cấp Bộ đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được tổ chức thống nhất từ cấp Bộ đến Công các tỉnh, thành phố và chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, Nhà nước; Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; cấp ủy, chính quyền các cấp và Đảng ủy, Ban giám đốc Công an các địa phương. Để tiến hành công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử, LLCS QLHC về TTXH cần phối hợp với các lực lượng cả trong ngành Công an và các cơ quan, ban ngành thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong tham mưu, tổ chức các mặt công tác trong cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp.

Hai là, tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền; lãnh đạo Công an các cấp và phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan trong tổ chức cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử.

Để tiến hành cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử cho công dân LLCS QLHC về TTXH chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp với LLCS QLHC về TTXH trong tổ chức công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước có liên quan để người dân hiểu và chủ động đến cơ quan Công an làm CCCD gắn chíp theo quy định. Đồng thời, LLCS QLHC về TTXH tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; Đảng ủy, lãnh đạo Công an các tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với LLCS QLHC về TTXH trong công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tham mưu trong đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử; tham mưu trong trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác này…

leftcenterrightdel
 Lực lượng CAND trực 3 ca làm CCCD cho người dân.

Ba là, tổ chức tiếp nhận hồ sơ của công dân làm CCCD gắn chíp điện tử

Để tiến hành cấp CCCD gắn chíp cho công dân, LLCS QLHC về TTXH đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ của công dân các điểm đón tiếp theo quy định; trụ sở Công an các phường, xã và tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ lưu động. Đây là giai đoạn rất quan trọng đòi hỏi cán bộ tiếp nhận phải thu thập đầy đủ, chính xác các thông tin của công dân. Trong quá trình tiếp nhận, cán bộ cần thu thập đầy đủ các thông tin trích ngang của công dân, lấy sinh trắc vân tay, các điểm nhận dạng riêng biệt và chụp ảnh người đăng ký làm CCCD gắn chíp điện tử.

Đồng thời, LLCS QLHC về TTXH tổ chức sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp phục vụ công tác nghiệp vụ trong quản lý dân cư, thực hiện các thủ tục hành chính và phòng, chống tội phạm, cụ thể: tích hợp sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp trong đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng; sử dụng dữ liệu trong cấp hộ chiếu gắn chíp; xác minh các đối tượng nghi vấn hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự; diễn biến thay đổi dân cư tại địa bàn….

Bốn là, tổ chức rà soát, tra cứu hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử

Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp CCCD, LLCS QLHC về TTXH tiến hành rà soát, tra cứu số hồ sơ đã tiếp nhận để cấp CCCD gắn chíp điện tử. Thông qua công tác rà soát, tra cứu sẽ phân loại các hồ sơ thành: hồ sơ đủ điều kiện cấp CCCD gắn chíp, hồ sơ chưa đủ điều kiện có thể do các lý do: hồ sơ nhập sai loại; hồ sơ trùng vân tay; hồ sơ trùng lặp thông tin nhiều lần… Tiến hành xử lý hồ sơ theo quy định: với những hồ sơ đủ điều kiện thì tích hợp vào dữ liệu CCCD; dữ liệu quốc gia về dân cư và đề xuất cấp; với những trường hợp chưa đủ điều kiện cấp thì xử lý theo từng trường hợp cụ thể và làm sạch dữ liệu đã thu thập.

Năm là, tổ chức cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử

Để tiến hành cấp và trả thẻ CCCD gắn chíp điện tử, LLCS QLHC về TTXH chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các đơn vị. Việc xây dựng kế hoạch nhận, trả thẻ CCCD gắn chíp điện tử hợp lý tạo điều kiện thuận lợi để công dân nhanh chóng nhận được CCCD gắn chíp điện tử phục vụ những nhu cầu giao dịch cá nhân. Lực lượng Cảnh sát chuyên trách tiến hành trả thẻ CCCD gắn chíp cho công dân qua đường bưu điện hoặc trả trực tiếp thông qua Công an cấp phường, giảm tải thời gian đi lại của công dân và công việc cho đội ngũ cán bộ đảm nhiệm công tác cấp CCCD gắn chíp điện tử.

Đồng thời, LLCS QLHC về TTXH tổ chức sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp phục vụ công tác nghiệp vụ trong quản lý dân cư, thực hiện các thủ tục hành chính và phòng, chống tội phạm, cụ thể: tích hợp sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp trong đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng; sử dụng dữ liệu trong cấp hộ chiếu gắn chíp; xác minh các đối tượng nghi vấn hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự; diễn biến thay đổi dân cư tại địa bàn….

leftcenterrightdel
 Các phương thức khai thác sử dụng thông tin công dân. Ảnh: TT Dữ liệu quốc gia về dân cư.

5. Cơ sở chính trị, pháp lý của công tác cấp và sử dụng dữ liệu Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Thứ nhất, về cơ sở chính trị

Mặc dù công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp mới được triển khai từ năm 2021, nhưng cho đến nay đã có nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là cơ sở chính trị cho công tác này, tiêu biểu là:

Trong Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 01/07/2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” Bộ chính trị đã đề ra nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh cần: “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quốc phòng, an ninh” [1].

Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định: Xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số [2].

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định: “Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân” [3, tr.225].

Nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Đảng liên quan đến công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử, có thể rút ra một số vấn đề cần quán triệt trong công tác này, cụ thể:

Công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng; sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Mục tiêu của công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử là nhằm nâng cao năng lực quản lý dân cư và phòng chống tội phạm; thực hiện chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử.

Tăng cường, phát huy nội lực trong toàn hệ thống chính trị và huy động sức mạnh của toàn dân; tiến hành hợp tác quốc tế phù hợp để đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu CCCD và dữ liệu quốc gia về dân cư.

leftcenterrightdel
 Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an: Thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ chính trị và danh dự của lực lượng CAND. (Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3/2023 lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH). Ảnh: Báo CAND

Thứ hai, về cơ sở pháp lý

Liên quan đến công tác cấp và sử dụng CCCD gắn chíp điên tử, đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định đến vấn đề này, tiêu biểu là:

Điều 3 Luật Căn cước công dân quy định về “Giải thích từ ngữ”, trong đó đã xác định:

Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này” và “Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư [4].

Điều 19 Luật Căn cước công dân quy định về “Người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân” [4].

Điều 27 Luật Căn cước công dân quy định về “Thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân”: Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân” [4].

Điều 34 Luật Căn cước công dân quy định về “Trách nhiệm quản lý nhà nước về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo đó cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý CCCD gắn chíp là: Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Căn cước Công dân” [4].

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công an đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này, cụ thể: Thông tư số 07/2016/TT-BCA “hướng dẫn Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân”; Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân”; Thông tư 40/2019/TT-BCA “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân”; Thông tư số 60/2021/TT-BCA ngày 15/05/2021 “Quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân”; Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 03/09/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân”; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06)…. Đây là các căn cứ pháp lý quan trọng mà lực lượng Công an nhân dân nòng cốt là LLCS QLHC về TTXH nói chung có thể vận dụng trong công tác cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử.

Nghiên cứu, làm rõ một số nhận thức về cấp và sử dụng dữ liệu CCCD gắn chíp điện tử có ý nghĩa lý luận và thực tiễn; góp phần thống nhất nhận thức trong toàn xã hội về vấn đề này. Trên cơ sở đó, sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử thời gian tới./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ Chính trị (2014), Nghị định số 36/NQ-TW ngày 01/07/2014 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, Hà Nội.

2.   Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 29/12/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Hà Nội.

3.   Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4.   Quốc Hội (2014), Luật Căn cước công dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5.   Viện ngôn ngữ (2005), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2005.

 

 

Trần Tú Anh - Trần Mạnh Hiếu