Có thể nói, công tác tạm giữ, tạm giam là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động tư pháp, đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự được thực hiện theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự.

Trong đó, việc tạm giữ, tạm giam là các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, việc áp dụng các biện pháp đó mục đích để ngăn chặn khả năng gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng từ phía bị can, bị cáo; ngăn chặn khả năng tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo.

leftcenterrightdel
VKSND tỉnh Yên Bái kiểm sát công tác tạm giam tại Trại giam Hồng Ca. Ảnh VKSND tỉnh Yên Bái

Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt tư pháp theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Quy chế, Chỉ thị, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn và văn bản có liên quan khác. Viện kiểm sát phải thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam, kịp thời phát hiện những thiếu sót vi phạm để ban hành Kiến nghị, Kháng nghị nhằm đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

1. Xây dựng kế hoạch kiểm sát

Xác định thời điểm kiểm sát: Trong hoạt động này cần hết sức linh hoạt, thấy có dấu hiệu vi phạm hoặc có khả năng vi phạm là phải tiến hành kiểm sát, bất kể thời gian.

Xây dựng kế hoạch, phân công phù hợp theo từng loại hình kiểm sát (Trực tiếp kiểm sát toàn diện; trực tiếp kiểm sát từng nội dung; trực tiếp kiểm sát đột xuất; kiểm sát hàng ngày, hàng tuần). Mỗi cuộc trực tiếp kiểm sát, trên cơ sở đã nắm được tình hình chung phải chọn được một hai nội dung trọng tâm để thực hiện. Xác định việc nào làm trước, việc nào làm sau. VD: Khi đã xác định có dấu hiệu giam, giữ chung buồng giữa người tạm giữ với người tạm giam; tạm giữ người dưới 18 tuổi và người trên 18 tuổi hoặc giữa người Việt Nam với người nước ngoài, các buồng giam quả tải… thì cần phải kiểm tra ngay buồng đó, tránh việc Nhà tạm giữ, Trại tạm giam cho chuyển đổi buồng để tránh vi phạm hoặc có hành vi khác để đối phó.

Kiểm sát chặt chẽ các nội dung tương ứng với từng điều Luật, từng quy định của pháp luật. Kết hợp giữa nghiên cứu, ghi nhận, lấy lời khai, sao chụp. Kiểm sát theo hai nội dung chính: Kiểm tra, xem xét Nhà tạm giữ, Trại tạm giam; kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ, sổ sách.

leftcenterrightdel
Kiểm sát công tác tạm giam tại Trại giam. Ảnh TL 

2. Kiểm tra hồ sơ, sổ sách

Kiểm sát đối tượng, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn tạm giữ, tạm giam phải đảm bảo các yêu cầu:

Khi tiếp nhận một người bị tạm giữ, tạm giam vào nơi giam, giữ, hoặc ra khỏi nơi giam, giữ phải kiểm tra các lệnh, quyết định (phải có các lệnh, quyết định đang còn hiệu lực pháp luật của các cơ quan và người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật); có biên bản giao, nhận hồ sơ, giao nhận người; xác nhận tình trạng sức khỏe của họ; biên bản tạm giữ tư trang, tài sản (nếu có).

Biên bản bắt, tạm giữ, tạm giam phải ghi rõ lý do tạm giữ, tạm giam, thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày, tháng năm đến ngày, tháng năm (đối với lệnh tạm giữ phải ghi rõ tạm giữ từ giờ … đến giờ, ngày… Ví dụ: Tạm giữ từ 10 giờ ngày 1/1/2019 đến 10 giờ ngày 4/1/2019).

Đối tượng chuyển từ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam khác đến phải có quyết định điều chuyển; lệnh tạm giữ, tạm giam đang còn hiệu lực pháp luật; có danh bản, chỉ bản; có các quyết định xử lý: Quyết định khởi tố bị can, chuyển tạm giam, các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ, quyết định trả tự do vì không đủ căn cứ; có các tài liệu khác như: Biên bản vi phạm và quyết định xử lý kỷ luật người bị tạm giữ, tạm giam. Các lệnh, quyết định phải ghi rõ: Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh, ngày, giờ, tháng, năm, ký tên và đóng dấu; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký thường trú, ngày bị bắt, tội danh, ngày bị tạm giữ, tạm giam. Thời hạn tạm giữ, tạm giam căn cứ vào những quy định của pháp luật.

Nếu người bị giam, giữ chết phải có biên bản xác định nguyên nhân chết có sự chứng kiến của đại diện Viện kiểm sát; biên bản trả tư trang, tài sản khi người bị giam, giữ được trả tự do, chuyển nơi giam, giữ khác (phải có xác nhận của người nộp, người nhận). Các biên bản này phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, dấu, chữ ký của những người có trách nhiệm.

Kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam: Chế độ ăn uống, ở, sinh hoạt, quần áo, chăn màn theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam. VD Ngày lễ, ngày Tết (theo quy định của Nhà nước), được ăn thêm nhưng không quá 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường; được sử dụng quà của gia đình, thân nhân, được mượn chăn, màn, quần áo…

Người bị tạm giữ, tạm giam được gặp thân nhân (nếu có thể); được nhận quà tiếp tế của gia đình (theo quy định của pháp luật), được khám chữa bệnh khi đau ốm, được học tập... VD được phổ biến, học tập nội dung, quy chế tạm giữ, tạm giam và các quy định của pháp luật liên quan đến họ. 
Kiểm sát việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.

* Lưu ý: Vi phạm thường xảy ra: Quyết định tạm giữ xác định sai thời điểm bắt đầu tạm giữ; Biên bản bàn giao không xác định tình hình sức khỏe của người bị tạm giữ, tạm giam; thiếu Lý lịch bị can; không thông báo việc sắp hết hạn tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giam; không phổ biến quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và nội quy cơ sở giam giữ… không ghi đúng, đủ, sổ sách, biểu mẫu...

3. Kiểm tra thực tế

Kiểm tra số người đang bị tạm giữ, tạm giam; điểm danh, kiểm diện, hỏi người bị giam, giữ (có thể ghi lời khai) ở từng buồng giam, giữ. Ở nội dung này, những vi phạm thường xảy ra: giữ chung buồng người chưa đủ 18 tuổi với người đủ 18 tuổi, người trong cùng một vụ án; người bị giam, giữ không được phổ biến quyền và nghĩa vụ, nội quy nơi giam, giữ, buồng giam quá tải, giam chung giữa người nước ngoài với người Việt Nam...

Chú ý các buồng chấp hành án phạt tù tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam: Buồng tạm giữ, tạm giam, buồng chấp hành án phạt tù, buồng giam, giữ người phạm tội thuộc các trường hợp phải giam, giữ riêng theo quy định của pháp luật, phải treo biển cụ thể.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND trao quyết định đặc xá tha tù cho phạm nhân.

Khi kiểm sát Nhà tạm giữ, Trại tạm giam nếu phát hiện các trường hợp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam mà người đó vẫn đang bị giam, giữ thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện, yêu cầu cơ quan và người có thẩm quyền trả tự do cho họ. Qua kiểm sát giam, giữ, phát hiện thấy việc tạm giữ, tạm giam không có căn cứ, không đảm bảo các thủ tục, không đúng thẩm quyền, quá thời hạn thì phối hợp với kiểm sát điều tra xem xét và báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát để giải quyết.

Kiểm tra việc bảo đảm an toàn trong giam giữ, nhất là bảo đảm không để người bị tạm giữ, tạm giam tự sát, gây thương tích; kiểm tra phát hiện vật cấm. Như kiểm tra cửa, khóa, cửa sổ, tường... Lưu, ý, vi phạm thường xảy ra là: có đinh, hoặc gờ cứng có thể treo móc dây, vật sắc nhọn...Các cuộc kiểm sát trực tiếp Viện kiểm sát nên phối hợp với Trại tạm giam, Nhà tạm giữ dùng máy dò kim loại để loại bỏ vật cấm.

Kiểm sát buồng kỷ luật (Qua nghiên cứu hồ sơ, quan sát, hỏi người bị kỷ luật, buồng kỷ luật), bảo đảm việc xử lý kỷ luật đúng theo quy định.

Kiểm tra việc bảo đảm chế độ cho người bị giam, giữ như: diện tích chỗ nằm, có chăn, chiếu, màn, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn mặt không, nước, có ánh sáng... Vi phạm thường xảy ra là: thiếu bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn mặt, xà phòng…

Kiểm tra rộng: Tường bao bảo vệ, việc canh gác, phòng tránh cháy, nổ, bão, úng, vệ sinh, phòng dịch, việc treo nội quy cơ sở giam giữ, việc bố trí phòng thăm gặp...

* So sánh giữa kết quả nghiên cứu hồ sơ, sổ sách và kết quả kiểm tra trực tiếp Nhà tạm giữ, Trại tạm giam tìm ra mâu thuẫn, phát hiện vi phạm (nếu có).

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, giam tạm

Các đơn vị phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật tổ chứcViện kiểm sát nhân dân, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Quy chế, Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Kế hoạch kiểm sát hàng năm của đơn vị và các tài liệu khác có liên quan.

Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp thường xuyên quan tâm quản lý, chỉ đạo điều hành, xác định công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm phải đề ra những nội dung, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể: Kiểm sát thường kỳ, hàng quý theo chuyên đề và kiểm sát toàn diện sáu tháng, một năm … để từng bước nâng cao chất lượng các cuộc kiểm sát, trên cơ sở đó đánh giá chất lượng công tác của đơn vị và cá nhân.

Kiểm sát viên, cán bộ làm công tác tạm giữ, tạm giam phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ phát huy tính tự giác trong việc học tập, nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật, của ngành về công tác này; đòi hỏi mỗi cán bộ, kiểm sát viên làm công tác tạm giữ, tạm giam phải tự rèn luyện kỹ năng, tự nghiên cứu học hỏi, trao đổi và tích lũy kinh nghiệm; nêu cao tinh thần trách nhiệm, khách quan, vô tư, tôn trọng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; hướng dẫn, giải thích pháp luật và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp mà họ được hưởng hoặc không bị pháp luật hạn chế theo quy định của BLTTHS và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam...

Tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát các cấp, giữa các bộ phận của Viện kiểm sát cấp huyện cũng như các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát cấp tỉnh theo đúng quy chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát. Các trường hợp gửi lệnh, quyết định tố tụng về tạm giữ, tạm giam chậm, không kịp thời, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam không nhận được lệnh, quyết định về giam, giữ có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến việc quá thời hạn giam giữ hoặc những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác thì Viện kiểm sát cần xác định rõ nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan để Kháng nghị, Kiến nghị kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác tạm giữ, tạm giam trên cơ sở quy chế của ngành và quy định của pháp luật.

Phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc cùng cấp theo quy chế phối hợp giữa hai Ngành, bảo đảm thực hiện chức năng giám sát của UBMTTQ đối với hoạt động kiểm sát nhà tạm giữ, Trại tạm giam, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam bảo đảm các quyền lợi, chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Mặt khác cũng cần yêu cầu hoặc Kiến nghị xử lý các trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật, có biểu hiện chống đối hoặc cố tình vi phạm quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo quy chế, quy định của Ngành.

Hoạt động kiểm sát tạm giữ, tạm giam là một quyền năng pháp lý quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đã trao cho ngành Kiểm sát; là một hoạt động phức tạp, đòi hỏi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác này phải hết sức cầu thị, không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, kĩ năng kiểm sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đảm bảo cho những người bị tạm giữ, tạm giam, không bị oan sai; các chế độ, quyền lợi được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật./.

Trần Thị Hồng - Phòng 8 VKSND tỉnh Lạng Sơn