Về sự cần thiết ban hành Nghị định, Bộ Công an cho biết, thực hiện Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2020 (Nghị định số 133/2020/NĐ-CP).

Sau hơn 2 năm triển khai thi hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đã được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; mang lại hiệu quả tích cực, làm chuyển biến về nhận thức của phạm nhân, học sinh; giúp phạm nhân, học sinh tin tưởng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm tư tưởng, xóa bỏ mặc cảm, tích cực học tập, rèn luyện, cải tạo tiến bộ để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện một số quy định về chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng.

Cụ thể, về công tác giam giữ phạm nhân, điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: "Nhà giam chung: Mỗi buồng giam giam giữ không quá 50 phạm nhân”. Tuy nhiên, thực trạng hệ thống công trình giam giữ của các trại giam chưa được xây dựng thống nhất theo một mẫu chung, các nhà giam, buồng giam được xây dựng trong nhiều thời kỳ khác nhau do đó thiết kế mẫu nhà giam chung hiện nay có nhiều loại, kích thước, diện tích khác nhau, trong đó cả buồng giam có quy mô giam giữ trên 50 phạm nhân. Số lượng buồng giam có quy mô giam giữ trên 50 phạm nhân đảm bảo 2m²/phạm nhân là 548 buồng giam, chiếm tỉ lệ hơn 18% trên tổng số 3.402 buồng giam hiện có của 54 trại giam.

leftcenterrightdel
 Thời gian qua, VKSND TP Phủ Lý (Hà Nam) chú trọng và làm tốt công tác kiểm sát thi hành án hình sự tại cộng đồng. (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định cũ, việc giam giữ tối đa 50 phạm nhân trong một buồng giam gây lãng phí cho công trình giam giữ và không phù hợp với thực tế quy mô thiết kế các buồng giam hiện có. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, tăng số lượng phạm nhân tối đa mà buồng giam tại nhà giam chung có thể giam giữ.

Về thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, khoản 5 Điều 7 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Phạm nhân được sử dụng điện, nước sinh hoạt theo định mức quy định”. Hiện nay, Bộ Công an chưa có văn bản nào quy định về định mức điện, nước mà phạm nhân được sử dụng để các cơ sở giam giữ có căn cứ thống nhất áp dụng. Mặt khác, việc ban hành định mức điện, nước sinh hoạt mà phạm nhân được sử dụng là rất khó khăn và không phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở giam giữ phạm nhân.

Bên cạnh đó, đối với quy định về công tác khám, chữa bệnh cho phạm nhân, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh,... Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu thì theo chỉ định của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo; ...". Theo đó, trong nhiều trường hợp do phải thực hiện quy trình đề nghị nên việc cứu chữa có thể không kịp thời, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của phạm nhân.

Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Đối với phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm giảm khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình...”. Quy định này không thống nhất với khoản 3 Điều 55 Luật Thi hành án hình sự “... bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình...".

Ngoài ra, còn theo Bộ Công an, còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về công tác phổ biến pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; dạy văn hóa và dạy nghề cho phạm nhân; quy định về công tác xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân; quy định về sử dụng kết quả lao động, dạy nghề; thời hạn xử lý kỷ luật, thi hành quyết định kỷ luật; chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế của học sinh trường giáo dưỡng.

Cũng theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP nhằm hoàn thiện các quy định về thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết, khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai Luật Thi hành án hình sự và Nghị định 133/2020/NĐ-CP; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, chế độ, chính sách của phạm nhân.

Việc xây dựng Nghị định phải tuân thủ Hiến pháp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án hình sự nói riêng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp của Nghị định 133/2020/NĐ-CP trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về bố cục, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP gồm 2 Điều. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung Điều 6 (Tổ chức trại giam). Cụ thể, sắp xếp lại các điều khoản và chỉnh lý quy định: “Nhà giam chung: Mỗi buồng giam giam giữ không quá 80 phạm nhân (Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định không quá 50 phạm nhân)”.

Quy định như trên để phù hợp với thực trạng hệ thống công trình giam giữ của các trại giam hiện nay. Việc thay đổi quy mô giam giữ từ 50 phạm nhân lên 80 phạm nhân không ảnh hưởng đến việc quản lý, giam giữ và thực hiện các chế độ, chính sách khác cho phạm nhân. Trong công tác giam giữ vẫn phải đảm bảo diện tích nằm 2m²/ phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

P.V