Chánh án TAND tối cao vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-CA ngày 15/5/2023 về việc thi hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội.
Chỉ thị nêu rõ, ngày 16/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15, theo đó Quốc hội thống nhất “kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023”; đồng thời, Quốc hội giao “Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023); trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết”.
Để phối hợp thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 nêu trên của Quốc hội, TAND tối cao yêu cầu Chánh án các TAND cấp cao, Chánh án các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND tối cao thực hiện một số nội dung được Chỉ thị này xác định.
|
|
Quang cảnh phiên toà rút kinh nghiệm xét xử vụ án dân sự. (Ảnh minh hoạ) |
Cụ thể, tổ chức phổ biến toàn bộ nội dung Nghị quyết số 63/2022/QH15 tới Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án thuộc phạm vi quản lý; quán triệt việc tiếp tục áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại TAND.
Tích cực, chủ động và đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp về nợ xấu theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo về TAND tối cao để được giải đáp.
Chủ động, thường xuyên cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng đúng các quy định, hướng dẫn của văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
TAND tối cao yêu cầu Chánh án các TAND cấp cao, Chánh án các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND tối cao sau khi nhận được Công văn này, thông báo cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong cơ quan, đơn vị mình và TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để biết và thực hiện.
Trước đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nêu rõ các nguyên tắc xử lý nợ xấu, đó là: Bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.