Nội dung vụ việc

Một trong những vụ việc thu hút được sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây đó là việc các đồng sở hữu của 28 tài sản kê biên để thi hành án trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") đồng loạt gửi đơn khiếu nại cho rằng Cục thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã vi phạm trình tự luật định, bỏ tắt không phân định quyền sở hữu trước khi xử lý tài sản.

Nội dung vụ việc thể hiện: Công ty trách nhiệm hữu hạn I.V.C, Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, Công ty cổ phần xây dựng 79 và bà Nguyễn Thị Thu Hiền (trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng về việc Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng vi phạm nghiêm trọng trình tự luật định, không phân định quyền sở hữu trước khi xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

Theo đó, tại Bản án số 158/2020/HS-PT ngày 12/5/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xác định ông Phan Văn Anh Vũ có trách nhiệm phải bồi thường hơn 3.100 tỉ đồng và duy trì Lệnh kê biên đối với 28 tài sản tại TP Đà Nẵng để bảo đảm thi hành án. 

Điều đáng nói, trong số 28 tài sản này, không phải một mình ông Vũ đứng tên mà là tài sản đồng sở hữu với bà Hiền và 3 công ty khác. Trong đó, 23 tài sản ông Vũ và bà Hiền đứng tên chung, 3 tài sản đứng tên công ty Cổ phần xây 79, 1 tài sản đứng tên Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, và 1 tài sản đứng tên công ty TNHH I.V.C.

Để thực thi theo Bản án 158, Cục thi hành án dân sự TP Đà Nẵng và Chấp hành viên đã ban hành nhiều quyết định và các văn bản gồm: Quyết định thi hành án chủ động số 12/QĐ-CTHADS ngày 7/10/2020; Thông báo số 1799/TB-CTHADS ngày 4/11/2020 về việc lựa chọn xử lý tài sản kê biên; Thông báo số 524/TB-CTHADS ngày 9/4/2021 “Về việc xử lý tài sản kê biên”, Thông báo số 811/TB-CTHADS ngày 7/5/2021 yêu cầu vợ chồng ông Vũ và các công ty khác phải giao các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thi hành án cho ông Vũ. 

leftcenterrightdel
 Dự án khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, TP Đà Nẵng. (Ảnh mang tính minh hoạ)

Tuy nhiên, phía các đương sự cho rằng, khi ban hành các  quyết định và thông báo trên, Chấp hành viên không thực hiện đúng các trình tự thủ tục của Luật Thi hành án dân sự và các Luật chuyên ngành trong quá trình tổ chức thi hành án. Do đó các đồng sở hữu khiếu nại: Mặc dù Bản án số 158/2020/HS-PT đã kê biên 28 tài sản, nhưng trước khi xử lý tài sản kê biên cơ quan thi hành án bắt buộc phải phân định và phải yêu cầu Tòa án quyết định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Luật thi hành án dân sự quy định rất rõ ràng, tuy nhiên khi Chấp hành viên xử lý 28 tài sản kê biên đã bỏ qua trình tự này. Các đương sự đã không nhận được bất kỳ một thông báo nào về việc phân định tài sản của ông Vũ và các cổ đông trong công ty. 

Giải pháp nào gỡ vướng?

Trong vụ việc trên, theo lý giải của đại diện công ty Cổ phần xây dựng 79, tài sản mà cơ quan thi hành án xử lý sau kê biên là tài sản mua hợp pháp của công ty. Ông Vũ chỉ là người có cổ phần trong công ty, ngoài ông Vũ ra trong công ty còn rất nhiều cổ đông khác. Nếu kê biên tài sản của công ty để đảm bảo việc thi hành án cho ông Vũ thì Cục thi hành án phải xác định rõ tỉ lệ tài sản của ông Vũ là bao nhiêu, chứ không thể lấy toàn bộ tài sản của các cổ đông để thực hiện cho việc thi hành án của riêng ông Vũ được.

Từ vụ việc trên, Luật sư Phạm Thành Vinh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đã có sự vi phạm nghiêm trọng về thủ tục xử lý tài sản khi thi hành án trong trường hợp này. Theo ông Vinh, đã là tài sản chung, thì theo Điều 74, Luật Thi hành án dân sự và Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn trước khi xử lý tài sản, Chấp hành viên buộc phải thông báo để những người đồng sở hữu tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia tài sản chung. Sau khi đã thực hiện xong trình tự luật định này, thì Chấp hành viên mới được xử lý tài sản thi hành án. 

Trong vụ việc trên, cơ quan thi hành án không thể lấy lý do bản án đã kê biên tài sản thì thi hành án có thể làm tắt bỏ qua bước phân định tài sản chung. Bởi cả Luật và Nghị định đều yêu cầu việc phân định rõ phần quyền sở hữu đối với tài sản chung phải rõ ràng trước khi xử lý tài sản. Việc xử lý tài sản thuộc trách nhiệm của thi hành án và nếu thi hành án lược bỏ thủ tục phân định tài sản chung trước khi xử lý, quyền lợi hợp pháp của những người đồng sở hữu tài sản bị xâm phạm.

Còn theo một số chuyên gia pháp lý khác, thực tiễn công tác thi hành án dân sự thời gian qua cho thấy, việc xử lý tài sản chung để thi hành án là vấn đề rất phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều chủ thể có liên quan, chính vì vậy mà pháp luật đặt ra các quy định rất chặt chẽ và cụ thể để hướng dẫn, yêu cầu cơ quan thi hành án và các Chấp hành viên phải thực hiện theo. Nếu làm tắt, lược bỏ đi các trình tự thủ tục quan trọng này, có thể dẫn đến các hệ quả xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân, tổ chức khác, thậm chí có thể gây ra những hậu quả không thể khắc phục được.

Vì vậy, các cơ quan thi hành án và chấp hành viên với tư cách là cơ quan, đơn vị, cá nhân được Nhà nước trao quyền cần phải có sự cẩn trọng và tuân thủ đầy đủ các bước, trình tự thủ tục pháp luật quy định. 

Từ những phân tích trên, để thực hiện việc phân chia tài sản của người phải thi hành án hợp tình hợp lý Chấp hành viên phải đặc biệt tôn trọng quyền thỏa thuận của các đương sự, nắm rõ quy định của Luật Hôn nhân gia đình; thực hiện đầy đủ, chính xác các trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án và việc phân chia tài sản.

Qua nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề chia tài sản chung trong thi hành án dân sự thời gian qua cho thấy vẫn còn những bất cập, tồn tại, vướng mắc, dẫn đến nhiều vụ việc thi hành án bị kéo dài và một số vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án, điển hình là vụ việc trên. Điều này cần phải có quan điểm thống nhất và hướng dẫn của các cơ quan Tư pháp Trung ương để thực hiện thống nhất trong cả nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án trong thời gian tới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 tại Điều 74 về “Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án” quy định: 1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

 Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

 Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

 Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án”.

P.V