Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ theo quy định của pháp luật dân sự
Thực tế hiện nay cho thấy, hậu quả do những vụ hoả hoạn, cháy nổ gây ra thường rất nghiêm trọng. Bên cạnh việc quy định về phòng cháy chữa cháy, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng đặt ra các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ. Trong năm 2023 đã xuất hiện những vụ hoả hoạn, cháy nổ có tính chất “nghiêm trọng”, gây thiệt hại đáng kể về vật chất và tinh thần của người bị thiệt hại. Vậy câu hỏi đặt ra là trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ được pháp luật dân sự quy định như thế nào?
|
|
Ảnh cháy chung cư mini tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội). |
Bồi thường thiệt hại được hiểu là trách nhiệm của người có hành vi vi phạm phải bồi thường những tổn thất mà mình đã gây ra. Trên cơ sở, đánh giá cụ thể các thiệt hại đã xảy ra trên thực tế để xác định bồi thường thiệt hại khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ. Bồi thường thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ được hiểu là trách nhiệm bù đắp cho người bị thiệt hại khi bị tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra; bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, đồng thời bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại khi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 (hiệu lực 2017) thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp xảy ra hoả hoạn, cháy nổ như sau:
“Trường hợp tài sản thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Theo quy định này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ chỉ được thực hiện khi thỏa mãn ba điều kiện sau: Có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất tổn thất tinh thần khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ của cá nhân
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân sẽ phụ thuộc vào yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
Một là, cá nhân thực hiện đúng và đầy đủ các quy trình, các bước trong công tác phòng cháy chữa cháy nhưng do yếu tố khách quan (do phòng vệ chính đáng, sự kiện bất khả kháng, hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại,..) dẫn đến xảy ra hoả hoạn, cháy nổ gây thiệt hại thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Hai là, cá nhân vi phạm các quy tắc an toàn, vi phạm quy trình thực hiện về phòng cháy chữa cháy dẫn đến xảy ra hoả hoạn, cháy nổ gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cá nhân tương ứng với phần lỗi của mình gây ra. Bên cạnh đó, cá nhân do thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy để gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ba là, trong trường hợp không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình thì người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất tổn thất tinh thần khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ của pháp nhân
Căn cứ theo Điều 87, 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Quy định như vậy, nếu trong trường hợp trụ sở của pháp nhân gặp hoả hoạn, cháy nổ thì pháp nhân đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những thiệt hại xảy ra với các nhà dân xung quanh. Cho dù thiệt hại này do người của pháp nhân gây ra thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước hết là trách nhiệm của pháp nhân. Bồi thường thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ.
Khi phát sinh thiệt hại từ các vụ hoả hoạn, cháy nổ, điều đầu tiên là xác định tính chất của vụ việc, nguyên nhân làm cơ sở để xác định lỗi, qua đó xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hiện trường vụ hoả hoạn, cháy nổ luôn trong tình trạng đổ vỡ kết cấu xây dựng, khói bụi, khí - hóa chất độc hại và các tiềm ẩn nguy cơ khác. Điều này dẫn đến việc xác định lỗi của người của các vụ hoả hoạn, cháy nổ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện.
Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại về vật chất tổn thất tinh thần khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ
Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, phương tiện để công dân thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại về vật chất tổn thất tinh thần khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ sẽ bổ sung về quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ được đảm bảo hơn, cụ thể:
|
|
Hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật tại trường ĐH Lâm Nghiệp. |
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy cho các tổ chức và cá nhân.
Thứ hai, bổ sung hoặc bãi bỏ, trong đó một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất tổn thất tinh thần khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ của cá nhân và các văn bản khác có liên quan.
Thứ ba, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong quản lý, thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng cháy chữa cháy đối các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác PCCC.
Khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ xảy ra, để tài sản và tính mạng con người được đảm bảo thì công tác phòng cháy chữa cháy cần được các cá nhân, tập thể cần xây dựng cho mình ý thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Trong đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất tổn thất tinh thần đối với cá nhân, pháp nhân cần phải được quy định cụ thể hơn để mọi cá nhân, pháp nhân nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn các hành vi vi phạm về PCCC, đồng thời tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.