Hội thảo nhằm giúp TAND tối cao thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển án lệ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao nêu rõ: Cùng với việc đổi mới quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, ngày 22/8/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua 3 án lệ theo thủ tục rút gọn đối với các án lệ được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, nâng tổng số án lệ được công bố lên 29 án lệ.

leftcenterrightdel
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu 

Mặc dù số lượng án lệ được công bố chưa nhiều nhưng các án lệ được công bố đã nhận được sự đón nhận tích cực từ phía dư luận xã hội, giới luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là các Thẩm phán trực tiếp làm công tác xét xử.

Đến nay, đã có hơn 600 bản án, quyết định của Tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ. Với kết quả trên, có thể nói án lệ đã thực sự đi vào thực tiễn đời sống pháp lý của đất nước, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án.

Tiếp tục triển khai công tác phát triển án lệ năm 2019, TAND tối cao đã rà soát, phát hiện được 17 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất lựa chọn làm nguồn phát triển thành án lệ. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc, Nhóm nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam đã xây dựng dự thảo Báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam trong đó đưa ra những khuyến nghị về giải pháp nhằm tăng cường hoạt động đề xuất, viện dẫn án lệ và những lĩnh vực pháp lý cần bổ sung án lệ trong thời gian tới.

Để đảm bảo cho các án lệ và Báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam được ban hành có chất lượng tốt, Chánh án Nguyễn Hoà Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến đối với nội dung từng dự thảo án lệ và dự thảo Báo cáo. Ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ là tư liệu tham khảo quan trọng cho Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trong quá trình lựa chọn, thông qua án lệ tại các phiên họp tới đây.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chia sẻ: Hệ thống án lệ của Việt Nam đang trong quá trình phát triển và còn nhiều phương diện cần cải thiện. Bên cạnh đó, hoạt động nâng cao năng lực cho thẩm phán và cán bộ toà án cần được ưu tiên trong những năm tiếp theo. Thẩm phán và cán bộ toà án cần hiểu một cách thấu đáo quá trình lựa chọn án lệ và vai trò của họ trong việc đề xuất và áp dụng án lệ. Ngoài ra, cần thúc đẩy sự tham gia của người dân trong quá trình đề xuất các quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xem xét, phát triển thành án lệ; đồng thời, tạo điều kiện tốt hơn cho thẩm phán, luật sư, chuyên gia pháp lý và các bên liên quan khác tham gia vào quá trình cải thiện hệ thống án lệ.

Trình bày tóm tắt về Báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam, TS. Nguyễn Sơn - Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu đã đề cập đến các giải pháp tăng cường hoạt động đề xuất án lệ, viện dẫn án lệ, việc đề xuất các vấn đề pháp lý trong việc nghiên cứu, phát triển án lệ. Đồng thời, chia sẻ về việc đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án để phát triển thành án lệ tại Việt Nam.

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, việc áp dụng án lệ là một bước tiến mới trong quá trình cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.
P.V