“Đã bị xử phạt vi phạm hành chính” là một trong các tình tiết định tội được quy định tại 63 điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS). Có nghĩa là khi một người nào đó đã bị xử phạt hành chính về các hành vi được quy định cụ thể trong 63 điều luật này mà tiếp tục vi phạm thì sẽ phạm vào tội quy định tại 63 điều luật cụ thể này (trong trường hợp không có yếu tố định tội khác quy định trong cùng một điều luật). Tình tiết này thường được áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế lại phát sinh những cách hiểu khác nhau dẫn đến cách áp dụng cũng khác nhau.
|
|
Hiện trường một vụ đánh bạc bị triệt phá. Ảnh minh họa |
Cách hiểu thứ nhất: “Đã bị xử phạt hành chính” có nghĩa là trước đó đã bị xử phạt hành chính, không kể đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính hay chưa, mà tiếp tục vi phạm thì sẽ phạm tội. Bởi vì, BLHS không có quy định thể hiện phải thuộc trường hợp chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà vi phạm mới phạm tội. Nếu thuộc trường hợp này thì Luật đã quy định rõ ràng giống như quy định về tiền án: “đã bị kết án… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt…”.
Ví dụ 1: Năm 2017, Nguyễn Văn A trộm cắp tài sản trị giá 500.000 đồng và bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, đã đóng phạt ngày 1/8/2017. Đến ngày 1/9/2019, Nguyễn Văn A tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản có giá trị 1.000.000 đồng. Do đó, A sẽ phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.
Cách hiểu thứ hai: “Đã bị xử phạt hành chính” có nghĩa là trước đó đã bị xử phạt hành chính, nhưng phải thuộc trường hợp chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm thì mới phạm tội; còn nếu thuộc trường hợp đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính thì không phạm tội.
Trong ví dụ 1 nêu trên, A bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền nhưng đã nộp phạt ngày 1/8/2017. Theo Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì đến ngày 1/8/2018 là tròn 1 năm kể từ ngày A chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính mà không tái phạm. Do đó, A được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Đến ngày 1/9/2019, A mới tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản, nhưng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 1.000.000 đồng, chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự nên A sẽ không phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.
Theo quan điểm của người viết, nếu hiểu như cách hiểu thứ nhất sẽ bất lợi cho người đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính mà đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính họ mới vi phạm. Vì khi đã hết thời hạn này thì họ đã được coi như chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, nếu đặt trong mối tương quan so sánh với người đã từng bị kết án, đã được xóa án tích lại tiếp tục có hành vi vi phạm sẽ thấy cách hiểu thứ nhất không hợp lý. Bởi lẽ, hiểu theo cách thứ nhất thì cùng là người có hành vi vi phạm chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nếu là người đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính, dù họ đã được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính thì vẫn phạm tội; còn người đã từng bị kết án, đã được xóa án tích, được coi như chưa bị kết án lại không phạm tội.
Ví dụ 2: Phạm Văn B bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền về hành vi “Đánh bạc trái phép”, đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, tiếp tục thực hiện hành vi “Đánh bạc trái phép”, số tiền đánh bạc là 2.000.000 đồng.
Ví dụ 3: Lê Văn C bị kết án về tội “Đánh bạc”, số tiền đánh bạc 10.000.000 đồng, đã được xóa án tích, được coi như chưa bị kết án, tiếp tục thực hiện hành vi “Đánh bạc trái phép”, số tiền đánh bạc là 2.000.000 đồng.
Nếu hiểu theo cách thứ nhất thì Phạm Văn B sẽ phạm tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự, còn Lê Văn C sẽ không phạm tội này. Rõ ràng là bất hợp lý. Do đó, thực tế, cơ quan tố tụng địa phương vẫn hiểu và áp dụng theo cách hiểu thứ hai.
Vì vậy, theo tác giả, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, cần phải sửa đổi, bổ sung các điều luật có tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” thành “đã bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm” để tạo sự chặt chẽ trong cấu trúc của điều luật, tránh những cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau.