Vừa vào mùa đông, các bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Da liễu Trung ương đều khốn khổ vì chứng bệnh ngứa, khô da và viêm da.
|
Bệnh nhân khám tại BV Da liễu Trung ương. |
Ngứa điên đảo toàn thân
Chị Hoàng Thị Yến trú tại Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội kể, khoảng 4 năm nay, cứ đến mùa đông là chị bị ngứa kinh khủng. Hai bên đùi, chân, mu bàn tay, bàn chân, những nơi dễ tiếp xúc. Có lúc đi đường, toàn thân ngứa râm ran như có con kiến đốt khiến chị Yến vô cùng khó chịu và bất tiện.
Một tuần nay, đêm đến chị nằm ôm hai chân, hai tay gãi như người bị ghẻ. Có lúc, chị gãi cảm giác đến rách da thì thôi vì càng gãi càng dễ chịu. Chị Yến đi khám và mua thuốc dị ứng uống nhưng không ăn thua. Nhìn bàn tay thô ráp của chị Yến vì sẹo xước da do gãi, chị bảo “Năm nào cũng thế này, một tháng đầu đông ngứa không dứt”.
Chẳng sung sướng gì hơn, anh Khải trú tại Yên Sở, Hà Nội cũng phải đi khám vì hai bên bắp chân và bắp tay của anh đầy các vết xước, hậu quả của những đêm ngồi gãi. Anh Khải kể từ đầu mùa đông, không biết do thời tiết hay dị ứng bụi xi măng nhà hàng xóm mà hai bên chân, tay của anh ngứa khủng khiếp.
Trong sổ khám bệnh bác sĩ ghi do bị viêm da tiếp xúc. Anh Khải thở dài “Hi vọng đỡ hơn chứ ngứa không tài nào ngủ nổi, chỉ thích mặc quần đùi, áo ngắn để gãi cho sướng".
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Kiểm trú tại Đê La Thành, Hà Nội cho con đến bệnh viện khám với chứng ngứa chàm. Cháu bé 6 tháng tuổi bị nổi chàm khô trên mặt gây ngứa khiến cháu gãi suốt ngày, làn da bị bong tróc nhìn rất khó chịu. Anh Kiểm lo lắng đưa con đi khám. Bác sĩ cho biết cháu bị viêm da dạng chàm.
Ngứa không nên gãi
Bác sĩ Nguyễn Thành – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết chị Yến bị viêm da cơ địa. Về mùa đông, da khô hơn mùa hè gây ngứa ngáy khó chịu, thói quen ngại uống nước khiến lớp da thiếu ẩm, tăng cảm giác bỏng rát.
|
Bệnh chàm xảy ra ở trẻ nhỏ gây ngứa ngáy khó chịu |
Nguyên nhân khác khiến da bị ngứa là khi tắm phần lớn mọi người đều tắm nước nóng, bật lò sưởi để tạo hơi ấm... Chính nước nóng, lò sưởi lại càng khiến da thêm khô và ngứa. Khi tắm, chỉ nên dùng nước tan lạnh, dùng các loại sữa tắm dưỡng ẩm cho da. Ở các vùng da hay tiếp xúc như chân, tay sử dụng kem dưỡng ẩm dành riêng cho chân tay.
Thói quen của người bệnh khi bị ngứa, thì ra sức gãi, những chỗ xa quá tầm tay lại dùng bàn tay giả, nhờ người thân gãi... Có những bệnh nhân vào viện da bị sần lên vì sẹo. Có người còn dùng cả rượu, chanh, lá trầu không, lô hội ... bôi lên da, chà xát, với hi vọng bớt ngứa. Những thói quen đó càng làm cho da bị tổn thương, ngứa không hết mà còn bị bội nhiễm rất khó chữa.
Tiến sĩ Trần Văn Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu Trung ương liên tục đưa ra khuyến cáo với người bệnh khi bị viêm da tiếp xúc: Tuy ngứa rát, khó chịu nhưng người bệnh không nên gãi. Gãi nhiều làm cho da xây xước lan rộng hơn có thể gây nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng rất dễ dẫn đến tổn thương thận, nhiễm trùng máu, viêm tấy lan rộng.
TS Tiến khuyến cáo, khi da bị tổn thương gây ngứa, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp, không nên tùy tiện sử dụng thuốc gây nên tác dụng không tốt, có thể để lại biến chứng.
Để phòng tránh khô nẻ, ngứa rát của làn da trong mùa đông nên mặc quần áo ấm, đeo găng tay, đi tất giấy. Không nên sử dụng các chất tẩy rửa như xà phòng, nước rửa bát, nếu tiếp xúc cần đeo găng tay. Dùng một số thuốc dành cho da khô như vaseline và một số chế phẩm khác tạo lớp mỡ trên da.
Trẻ em dưới 2 tuổi cũng là đối tượng dễ bị mắc chàm trong thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ khi thấy cơ thể con mọc chi chít những mụn nước li ti, mẩn ngứa lại tưởng bị bệnh thuỷ đậu nên kiêng nước, kiêng gió hoặc tắm qua bằng nước ấm. Khi bị chàm càng tắm nước nóng càng ngứa hơn. Khi trẻ có biểu hiện chàm cần đưa con đến bệnh viện khám.
Theo infonet