Sinh con thuận tự nhiên, trào lưu nguy hiểm

Trong vài tháng qua, trên mạng xã hội Face Book tại Việt Nam đang rộ lên trào lưu sinh con “thuận tự nhiên” hay “liên sinh” của các bà mẹ trẻ, có những diễn đàn thu hút tới hàng chục ngàn người tham gia và theo dõi, đây được xem là trào lưu khá nguy hiểm khi tri thức của người tham gia chưa tới, hiểu sai vấn đề sinh con theo cách tự nhiên, thậm chí theo cách “hoang giã”.

leftcenterrightdel
 Trào lưu sinh con "thuận tự nhiên" đang được các bà mẹ trẻ cổ súy.

Xung quanh vấn đề này, Bộ Y tế đã có công điện khẩn chỉ đạo Sở Y tế TP. HCM phối hợp với bệnh viện Từ Dũ tổ chức buổi họp báo vào sáng 15/3/2018 tại trụ sở bệnh viện Từ Dũ với mong muốn cơ quan truyền thông báo chí gửi đi thông điệp đến người dân và đặc biệt là các bà mẹ trẻ rằng: việc sinh con theo trào lưu “thuận tự nhiên” là cực kỳ nguy hiểm!

Sau buổi họp báo, phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi với bác sĩ sản nhi Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ TP. HCM xoay quanh vấn đề sinh con thuận theo tự nhiên.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ 

Trào lưu sinh con theo cách “thuận tự nhiên” đã bùng nổ ở các nước như Mỹ, Úc hay một số nước Phương Tây từ những năm trước, tuy nhiên thời gian gần đây lại bùng nổ tại Việt Nam gây “sốt” cho các bà mẹ trẻ và được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, trào lưu này gây bất lợi cho mẹ và bé khi xảy ra một vài biến cố như: “sinh thai trong chuyển dạ hoặc là nó có hiện tượng bất xứng đầu chậu, thai không đi qua khung chậu người mẹ để ra ngoài được, hoặc là thai trình dừng lại không tiếp tục tiến triển được nữa, phải mổ để lấy thai ra ngoài cần có những can thiệp y khoa để cứu mẹ và bé. Nếu đứa bé không lọt qua khung xương chậu của người mẹ được, dẫn tới vỡ tử cung, đứa bé sẽ chết vì suy thai, người mẹ sẽ chết vì vỡ tử cung. Hoặc là người mẹ không được theo dõi về huyết áp, nếu tăng tới một lúc nào đó sẽ khiến người mẹ lên cơn giật, dẫn tới xuất huyết não cũng gây chết cả mẹ và bé. Ngoài ra, khi sinh xong rồi, người mẹ có thể bị băng huyết sau sinh và có thể bị chết vì mất máu... Đó là một số các yếu tố thường xuyên gặp trong ngành sản khoa mà chúng tôi luôn luôn cảnh báo những thai phụ, đặc biệt là những sản phụ cần sự can thiệp của y khoa tại một số cơ sở y tế, bệnh viện lớn để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả mẹ và bé.”

Trên mạng đang lan truyền hình ảnh một em bé sinh “thuận tự nhiên” tại tỉnh Hưng Yên, hình ảnh đứa bé nằm cạnh cái bánh nhau (nhau thai) đang còn kết nối với cuống rốn, theo bác sĩ Mỹ Nhi, đây là suy nghĩ sai lầm từ các mẹ: “người ta cho rằng giữa bánh nhau kết nối với bé như vậy thì bao nhiêu tinh chất quý giá  từ bánh nhau như: kháng thể, hồng cầu... đi từ bánh nhau qua hết thì đứa bé sẽ được thụ hưởng các lợi ích đó, nhưng điều này hoàn toàn sai. Hiện nay, các tổ chức thế giới đã khuyến cáo và Bộ Y tế Việt Nam cũng đã ban hành một chương trình ‘Kẹp cắt dây rốn - chăm sóc bà mẹ sơ sinh’. Cụ thể, khi đứa bé ra khỏi người mẹ thì lập tức đứa bé đó sẽ được lau sạch, ủ ấm và để nằm lên ngực trần của mẹ để bé được tiếp cận sức nóng, hơi ấm của người mẹ, tự tìm bú, được hưởng những con vi khuẩn có lợi từ mẹ truyền cho bé. Như vậy, đứa bé sẽ tiếp cận cuộc sống bên ngoài một cách gần gũi và bà mẹ sẽ cảm thấy yêu thương con mình nhiều hơn.”

Đồng thời, người ta cắt dây rốn chậm lại, thường từ 1 đến 3 phút, bởi trong thời gian này, lượng máu từ bánh nhau tiếp tục bơm vào đứa bé và bé sẽ được hưởng một số các máu từ mẹ khoảng 100ml gồm hồng cầu, một số chất dinh dưỡng và đặc biệt cung cấp thêm sắt cho đứa bé. Còn sau thời gian dây rốn ngừng đập thì sẽ không còn bất kỳ chất dinh dưỡng nào đi qua bé nữa. Nếu để kéo dài quá lâu, bánh nhau chứa đầy máu có thể bị nhiễm trùng dễ truyền qua cho đứa bé rất nhanh. Đây là quan niệm sai lầm và phản khoa học – Bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ thêm. 

Thần thánh hóa sữa mẹ và từ chối Vắc – xin

Trên mạng xã hội face book, các mẹ bỉm sữa chỉ nhau một số công dụng thần kỳ của sữa mẹ như: Chữa lành bệnh tim bẩm sinh, trị đau mắt, mọc lại đốt ngón tay, trị vết thương ngoài da, làm đẹp da...và rất được nhiều người “cổ súy”, ủng hộ như ”lên đồng”.

Trên trang cá nhân của một tài khoản face book có tên Phương-Hồng Nhất Lê có chia sẻ về việc hồi sinh đốt ngón tay trẻ sơ sinh nhờ sữa mẹ như sau: “Trẻ con vì sao có thể mọc lại đốt ngón tay? Những mô tái tạo hoặc sinh trong cơ thể phải nhờ có tế bào gốc. Trẻ con có nhiều tế bào gốc hơn người lớn. Tế bào gốc trẻ con nhận là từ đâu? Chính là sữa mẹ đấy, chỉ có sữa mẹ mới có tế bào gốc của con người. Nên không phải tốc độ tạo lại mô ở trẻ em nào cũng giống nhau, mà tốc độ tái tạo mô tùy thuộc vào lượng tế bào gốc trong cơ thể. Mỗi ngày sữa mẹ cung cấp cho con 2 tỷ tế bào gốc, để tái tạo, thay thế nhanh chóng những tế bào bị tổn thường... một trong những tính năng của sữa mẹ là hoàn thiện cơ thể trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đó là khoa học mà khi người ta quan sát thấy thì người ta nhìn nhận việc mọc lại ngón tay là khả thi ở trẻ nhỏ, và khi người ta hiểu sâu hơn, thì người ta biết vì sao trẻ vẫn nhận tế bào gốc từ sữa mẹ mỗi ngày, có khả năng phục hồi nhanh hơn. Tôi tin vào sự lập trình hoàn hảo của tạo hóa với lòng biết ơn vô hạn!” . Chia sẻ này coi sữa mẹ như “thần thánh”!

leftcenterrightdel
 Trang Face book Phương-Hồng Nhất Lê chia sẻ trẻ có thể mọc lại đốt ngón tay cho bé nhờ sữa mẹ!? 

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Mỹ Nhi cho biết: “Hiện người dân có phong trào hiến tặng sữa mẹ không kiểm soát, một số người còn dùng sữa mẹ nhận được nhỏ vào mắt để chữa viêm kết mạc hoặc bôi lên da để làm đẹp da, bôi lên vết trầy trị thương hoặc trị cả bệnh Zona thần kinh...thậm chí cho con mình bú, điều này cực kỳ nguy hiểm vì có thể lây nhiễm một số bệnh qua đường máu như: Viêm gan C, siêu vi B, HIV...

Hiện Việt Nam đã xây dựng “Ngân hàng sửa mẹ” ở TP Đà Nẵng nhằm kiểm soát được việc hiến tặng sữa mẹ, kiểm soát được vấn đề lây nhiễm do sữa mẹ, tại bệnh viện Từ Dũ dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2018, nhằm đáp ứng cho những người mẹ ít sữa và vì lý do nào đó không thể cho con bú.”

Về vấn đề Vắc – xin, một số người dân dường như khước từ, không cho mẹ và bé chích ngừa trước và sau sinh. Theo bác sĩ Mỹ Nhi, tại bệnh viện Từ Dũ cũng đã nhiều lần nhận được một số đơn yêu cầu bệnh viện thực hiện các vấn đề mà người nhà sản phụ yêu cầu như sau đây: “Sau khi sinh xong bắt buộc cho con tôi nằm da kề da với mẹ; phải được cắt cuống rốn muộn; có băng huyết chúng tôi không chấp nhận một loại máu nào hoặc chế phẩm nào tương tự máu; con chúng tôi sau khi sinh xong không được chích ngừa Vắc - xin...”.

Họ từ chối những ưu điểm mà y học hiện đại mang lại nhằm phòng ngừa một số bệnh thường gặp đối với trẻ sơ sinh như: bại liệt, ho gà, bạch cầu, uốn ván... hoặc ví dụ như vitamin K rất tốt cho tim mạch, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ thêm.

Bác sĩ Mỹ Nhi còn đưa ra khuyến cáo, dù sinh con theo cách “thuận tự nhiên” hay chỉ dùng sữa mẹ thì cũng nên có sự tham gia, tham vấn của đội ngũ y, bác sĩ, những người có chuyên môn về sản khoa bên cạnh nhằm hạn chế rủi ro. Việc từ chối Vắc – xin là những bươc đi thụt lùi với tiến bộ khoa học kỹ thuật!

Sơn Tùng - Đình Quân