Thuốc kháng vi rút (ARV) là hết sức quan trọng trong điều trị cho người nhiễm HIV. Nó không chỉ giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn giúp giảm lây truyền HIV sang người khác. Hiện tại Việt Nam có hơn 130.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV và việc người bệnh phải sử dụng thuốc hằng ngày, lâu dài thì nhu cầu cũng như kinh phí bỏ ra mua thuốc là rất lớn.

Với mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV thì hàng năm nhu cầu cũng như kinh phí để mua thuốc ARV ở Việt Nam là rất lớn.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, nguồn thuốc ARV cấp cho bệnh nhân HIV/AIDS của Việt Nam hầu hết là nguồn thuốc viện trợ từ các tổ chức quốc tế, bao gồm các nguồn của Chương trình viện trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét và một phần từ Quỹ Bill Clinton.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân HIV lĩnh thuốc ARV tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Do các nhà tài trợ này hỗ trợ thuốc ARV cho nhiều quốc gia trên thế giới với số lượng lớn, do đó, để giảm giá thành của thuốc và bảo đảm chất lượng thuốc giống nhau cho các quốc gia, các dự án này thường mua sắm tập trung cho toàn cầu sau đó chuyển thuốc đến cho quốc gia thụ hưởng dự án, tức là viện trợ bằng thuốc ARV cho các nước được nhận viện trợ. Ví dụ: Quỹ toàn cầu mỗi năm mua số thuốc ARV điều trị cho khoảng gần chục triệu bệnh nhân AIDS cấp cho các nước thụ hưởng dự án; Chương trình PEPFAR cũng đấu thầu tập trung thuốc cấp cho khoảng hơn 2,5 triệu bệnh nhân AIDS mỗi năm; Quỹ Bill Clinton cũng đấu thầu tập trung và cấp thuốc, sinh phẩm cho các nước.

Với quy luật chung, việc mua sắm thuốc tập trung cho các nước sẽ làm giảm giá thành và do đó sẽ có thuốc rẻ hơn và sẽ có nhiều bệnh nhân được tiếp cận với thuốc ARV viện trợ hơn.

Tuy nhiên, kể từ năm 2015 khi nguồn thuốc viện trợ bị cắt giảm dần, để bảo đảm nguồn thuốc ARV tiếp tục cấp cho bệnh nhân AIDS, Chính phủ đã giao Bộ Y tế mua sắm một phần thuốc ARV từ nguồn ngân sách trong nước để bù đắp khoản thuốc bị cắt giảm. Cục Phòng, chống HIV/AIDS được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế cũng như việc thương thảo tốt đã tiến hành đấu thầu mua sắm thuốc trên nguyên tắc lựa chọn mua các thuốc ARV đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có chất lượng tương đương thuốc viện trợ.

Kết quả năm 2016, lần đầu đấu thầu thuốc ARV tại Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã mua 6.410.940 viên thuốc 3 trong 1 (3 loại thuốc trong 1 viên) là Lamivudine + Tenofovir + Efaviren với giá trúng thầu là 7.299đồng/viên (đã bao gồm VAT 5%) (tương đương 0,3095 USD/viên tính theo tỷ giá tại thời điểm đấu thầu là 22.457đồng/viên). So sánh giá đấu thầu cùng loại thuốc trên với giá mua tập trung của Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét thì giá thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 16,6% (giá của Quỹ Toàn cầu mua là 0,3681 USD/viên thuốc). Nếu so sánh với giá thuốc do PEPFAR mua cấp về thì giá thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 17,8% (giá của PEPFAR mua là 0,3728 USD/viên thuốc).

Trước sự kiện này, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Chương trình PEPFAR và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) trong khi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ca ngợi việc Việt Nam chủ động mua sắm được thuốc ARV với giá rẻ hơn giá đấu thầu toàn cầu của các dự án tài trợ.

Đợt mua sắm thứ hai là năm 2017, Việt Nam tiếp tục đấu thầu mua sắm 3.079.080 viên thuốc 3 trong 1 là: Lamivudine +Tenofovir + Efaviren với giá trúng thầu là tương đương 0,268 USD/viên tính theo tỷ giá tại thời điểm đấu thầu là 22.760/USD). So sánh giá trên với giá thuốc cùng loại của PEPFAR thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 3,63% và rẻ hơn thuốc Quỹ Toàn cầu mua 1,33%.

Như vậy, có thể thấy, giá thuốc ARV ngày càng rẻ hơn, năm 2017 giá thuốc tiếp tục hạ hơn 15% so với giá mua năm 2016.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc mua sắm thành công thuốc ARV là một bước tiến quan trọng để chúng ta chủ động cung ứng thuốc ARV thay thế nguồn viện trợ quốc tế, bảo đảm tính bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Tiến sỹ Kato Masaya – Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) tại Việt Nam cho biết, theo đánh giá của WHO, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về điều trị bằng thuốc ARV, đặc biệt là việc tiên phong trong thực hiện các khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới về phác đồ điều trị và tiếp cận phổ cập để người nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận thuốc ARV. Nếu như năm 2005 chỉ mới có 5 nghìn bệnh nhân được điều trị ARV thì đến tháng 6/2017 Việt Nam đã có 113 nghìn bệnh nhân được điều trị ARV. Với việc số người được tiếp cận với ARV tăng nhanh, theo tính toán của các chuyên gia quốc tế hiệu quả điều trị tại Việt Nam trong 10 năm qua đã giúp khoảng 150 nghìn người nhiễm HIV thoát khỏi tử vong và dự phòng cho 450 nghìn người không nhiễm HIV./.
 

Đỗ Thoa/ ĐCSVN