Sẽ ra sao nếu những sinh viên được tuyển chọn rất nổi trội về tài năng nhưng lại thiếu hụt y đức? Nên chăng, các trường, khối ngành Y dược khi tiến hành thi đầu vào còn cần thi cả đức?
Hai bức tranh "đối lập"
Quan sát hàng loạt vấn đề của ngành y từ đầu năm đến nay, chúng ta có thể thấy nổi lên 2 "bức tranh", mà thoạt nhìn là rất tương phản.
Bức tranh thứ nhất là điểm chuẩn tuyển sinh của các trường, khối, ngành Y dược năm nay hầu hết đều tăng so với năm ngoái và nhiều trường ở mức cao "ngất ngưởng". Tiêu biểu là trường Đại học Y HN, với những thí sinh đạt tới 27 điểm, tức là trung bình 9 điểm/ 1 môn, vẫn phải ngậm ngùi dừng bước.
Không chỉ vậy, chưa năm nào Đại học Y HN có điểm đầu vào của thí sinh cao và có tới 17 thủ khoa cùng đạt 29,5 điểm như năm nay. Trường cũng giữ vị trí đứng đầu trong top các trường đại học có nhiều điểm 10 tuyển sinh.
Với thành tích đó, ĐH Y HN tiếp tục giữ vững ngôi quán quân trong điểm thi tuyển sinh. PGS. TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ngôi trường giàu truyền thống, đánh giá: ""Đây là một tín hiệu đáng mừng".
Và hẳn đó là tín hiệu đáng mừng chung khi các trường, khối ngành Y dược năm nay vẫn tiếp tục duy trì danh tiếng "Nhất Y, nhì Dược". Có thể nói, ngành Y đã thu hút được số thí sinh có năng lực, chất lượng đầu vào thuộc hàng top đầu, như cách ví von của ngôn ngữ hiện nay là "đỉnh của đỉnh".
Ở "bức tranh" thứ 2, có vẻ không nhiều màu hồng như "bức tranh" thứ nhất.
Đó là thời gian qua, liên tiếp xảy ra những câu chuyện xôn xao dư luận liên quan đến ngành Y. Nổi lên trên bức tranh đó, vẫn là mảng màu về Y đức với những vụ việc "nhân bản" xét nghiệm, ăn bớt vắcxin tiêm cho trẻ... Nhiều người không khỏi than thở, y đức giờ đã thành y... "đứt", hay y "tức".
Đáng buồn hơn, đó không phải mảng màu hiếm trên bức tranh chung của ngành Y nhiều năm lại đây. Bởi, trong ấn tượng của phần đô, giờ đây nghề cứu người này lại gắn với những thứ rất ít liên quan.
Chẳng hạn, chiếc phong bì. Muốn tiêm "êm": phong bì. Muốn được ưu tiên cứu chữa trước: phong bì. Muốn bác sĩ hết lòng, hết sức: phong bì... Đến mức, ai vào bệnh viện mà không đem theo "bảo vật" phòng thân này cũng thấy lo lắng không yên.
Hay "hoa hồng", nhưng tất nhiên không phải hồng nhung, biểu tượng của tình yêu. Mà đó là "hoa hồng" thuốc ngoại, "hoa hồng" sữa ngoại, "góp công" đưa giá những mặt hàng này ngày càng ngất ngưởng.
V.v và v.v,...
Rất có thể nhiều người hoạt động trong ngành y cảm thấy dư luận đánh giá thiếu công bằng về nghề của mình. Rằng, mọi người không thể thấu hiểu hết muôn nỗi cực nhọc của những bác sĩ, y tá đang căng mình đêm ngày tại những bệnh viện quá tải với trang thiết bị thiếu thốn.
Quả là, dư luận có thể thiên kiến, và quan điểm số đông không phải bao giờ cũng đúng. Song nếu bỏ thời gian tìm hiểu các diễn đàn, báo chí và nhất là trực tiếp nghe bệnh nhân chia sẻ, các y bác sĩ sẽ thấy, không phải bỗng dưng mà ngành mình nhiều "tăm tiếng" đến vậy. Không phải bỗng dưng mà mỗi khi có vụ việc nghiêm trọng xảy ra, dư luận lại ít khi đứng về "phe"... bác sĩ, y tá.
|
Ảnh minh họa. |
Giỏi thôi chưa đủ...
Bởi vậy, khi ghép nối lại, chúng ta lại thấy 2 bức tranh tưởng chừng đối ngược trên, lại có phần liên quan. Đó là, nhìn số nhân tài đang đổ dồn vào ngành y dẫu mừng mà vẫn thấy lo.
Bởi trong số những học sinh chọn cho mình con đường vất vả này, có bao nhiêu em vì lý tưởng làm một công việc có ích cho cộng đồng, để chữa bệnh cứu người? Hay số đông lựa bị định hướng bởi ngành y đang là một ngành "hot", kiếm được nhiều tiền?
Trước khi làm hồ sơ dự tuyển, bao nhiêu học sinh ý thức được đầy đủ như em thủ khoa Trường đại học Y Dược Huế, rằng: "cùng với sự phát triển của xã hội, con người bị ảnh hưởng quá nhiều độc chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe". Hay đa số đi đến lựa chọn nghề nghiệp này khi nhìn "gương" nhiều bác sĩ giàu lên, sung túc nhờ "chân trong, chân ngoài", nhờ hoa hồng?
Trong lễ tốt nghiệp ra trường hành nghề, tất cả các sinh viên trường y đều phải tuyên thệ nguyện làm theo Lời thề Đạo đức Y khoa (lời thề Hippocrates) với nội dung như: Người thầy thuốc phải biết hy sinh bản thân, quên mình, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên quyền lợi của mình; hiểu được nỗi đau của người bệnh; không được làm điều dối trá, gian lận, đi ngược lại quyền và lợi ích của người bệnh...
Và được biết, năm học 2009-2010, lần đầu tiên Bộ Y tế đã thí điểm thành lập bộ môn y đức tại hai trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y dược TP.HCM, do bộ trưởng Bộ Y tế làm chủ nhiệm danh dự. Tháng 4 vừa qua, trong phiên chất vấn của Quốc hội, vị tư lệnh ngành cũng đã khẳng định "sẽ thành lập bộ môn Y đức trong hệ thống các trường y". Có thể nói đây cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, phải chờ đến đại học mới giảng dạy y đức liệu đã là muộn, với quy trình đào tạo đại học đã vào thì... khó ra như ở Việt Nam. Sẽ ra sao nếu những sinh viên được tuyển chọn rất nổi trội về tài năng nhưng lại thiếu hụt về y đức?
Và rồi, sẽ ra sao nếu những sinh viên đó làm việc tại các bệnh viện, nắm trong tay tính mạng bệnh nhân? Khi ấy, mấy chục tiết của bộ môn Y đức và một lời thế có đủ để giữ vững cái tâm vì người bệnh của họ?
Vậy, nên chăng, các trường, khối ngành Y dược khi tiến hành thi đầu vào còn cần thi cả y đức. Để những học sinh ngay trước khi quyết định chọn "mang lấy nghiệp" vào mình, sẽ hiểu rõ cái gì chờ đợi các em phía trước. Các em cần biết không phải hoa hồng, sự giàu có chờ đón, mà trước hết là những vất vả, cống hiến, hi sinh và cả quá trình nỗ lực không ngừng để bổ sung kiến thức, và hết lòng với nghề, với bệnh nhân.
Để có những thế hệ bác sĩ, y tá giỏi tay nghề và sáng y đức, thì ngay khi tuyển chọn đào tạo, việc xác định chắc chắn về phẩm chất đạo đức của những sinh viên tương lai là vô cùng qaun trọng. Bởi hơn bất kỳ nghề nào khác, trong nghề y, tài năng không đi liền với y đức sẽ không chỉ là "vô dụng", mà còn mang mầm tai ương.
Tất nhiên, để làm được như vậy, những người tuyển chọn, những "trọng tài" trong cuộc sát hạch khó khăn này trước tiên cũng phải là tấm gương về y đức!
Theo Hải Tâm
Vietnamnet.vn