Trung tâm Y tế huyện Nam Giang: Điểm tựa cho người dân miền núi
Cập nhật lúc 23:35, Thứ tư, 23/03/2016 (GMT+7)
Tiếp nhận khám chữa bệnh cho gần 76 nghìn lượt người mỗi năm, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Giang đang là một trong những điểm tựa vững chắc về chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi. (y tế, vùng cao, dân tộc)
Tiếp nhận khám chữa bệnh cho gần 76 nghìn lượt người mỗi năm, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Giang đang là một trong những điểm tựa vững chắc về chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi.
Từ năm 2000 đến nay, TTYT huyện Nam Giang đã tự làm chủ được nhiều thủ thuật, phẫu thuật ngoại khoa, nhiều chỉ số đạt loại cao. Toàn bộ trưởng, phó khoa công tác tại TTYT Nam Giang đều có trình độ chuyên khoa trở lên. Nhờ đó, số ngày điều trị và số ca chuyển tuyến đều giảm. Từ chỗ thiếu nhân lực, trang thiết bị, hoạt động khám chữa bệnh còn hạn chế, đến nay TTYT trở thành một trong những địa điểm tin cậy đối với người dân. Thay vì phải vượt hàng trăm cây số xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc tại Đại Lộc, người dân an tâm đến điều trị bệnh tại TTYT huyện với mức chi phí thấp hơn rất nhiều lần. Đến nay, TTYT hoàn toàn có thể tiếp nhận và xử lý 5 - 7 ca phẫu thuật liên tục mỗi ngày đối với các trường hợp mổ ruột thừa, mổ sản, can thiệp động mạch... Song song với việc tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho đội ngũ y bác sĩ, cán bộ ngành y tế, cán bộ TTYT cũng duy trì và tăng cường mối quan hệ gần gũi, thân thiện đối với người bệnh, từ đó làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bác sĩ Tơ Ngôl Vui - Phó Giám đốc TTYT huyện Nam Giang chia sẻ, đội ngũ cán bộ toàn tuyến có 155 người, với 27 bác sĩ, đạt 10,8 bác sĩ/vạn dân, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu chung toàn tỉnh. Trong số đó, rất nhiều bác sĩ, y sĩ và cán bộ là người địa phương, do đó vừa phát huy được kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ thâm niên, vừa không để xảy ra tình trạng chảy máu nhân lực. Hàng năm, các y bác sĩ này cũng được luân chuyển thường xuyên để tăng cường cho tuyến xã, nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại chỗ cho người dân. “Phần đông các y, bác sĩ tại bệnh viện là người địa phương, có khả năng giao tiếp tốt, lại am hiểu tập quán, tâm lý của đồng bào nên bà con rất tin tưởng. Trước đây bà con không những ít đến bệnh viện khám chữa bệnh, mà còn e ngại, dè dặt không dám chia sẻ với bác sĩ về tình hình bệnh tật. Nhờ khả năng giao tiếp bằng tiếng địa phương, bà con tìm đến nhiều hơn, còn mạnh dạn hỏi thăm tình trạng bệnh, nhờ bác sĩ tư vấn trong và sau khi điều trị” - bác sĩ Vui nói.
Theo Báo Quảng Nam
.