Bệnh viện 108 là một trong những đơn vị triển khai rất sớm phương pháp điều trị phá u sóng nhiệt cho cho bệnh nhân điều trị ung thư gan tại Việt Nam.
 


Hiện, phương pháp này trở thành khuyến cáo chỉ định chính thức điều trị UTG tại các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Dựa trên nguyên lý khi mà khối u chịu đựng nhiệt độ từ 60-100 độ C thì tổ chức sẽ được hoại tử đông tức thì. Để thực hiện phương pháp RFA hiệu quả nhất, UTG phải được phát hiện sớm (tức là khối u gan có kích thước dưới 3cm).

“Với BN phát hiện sớm UTG, BN có diễn biến tự nhiên trong chừng từ 2-3 năm. Nhưng điều trị bằng phương pháp RFA, thời gian sống thêm đã được khẳng định. Tuy nhiên, RFA là kỹ thuật can thiệp cũng có tác dụng phụ và biến chứng (dao động từ 6-12%). Những biến chứng hay gặp như: chảy máu trong, áp se, nhiễm trùng”, TS. Thịnh chia sẻ.

Mở ra cơ hội cho bệnh nhân UTG giai đoạn đầu

Phá huỷ khối u gan bằng can thiệp qua da với tác nhân nhiệt độ cao là kỹ thuật hiệu quả nhất, khả năng phá huỷ hoàn toàn khối u đạt 87%-100%.

Theo TS. Nguyễn Tiến Thịnh, điều trị hóa trị với những tổn thương tái phát ở trong gan thường không mang lại kết quả. Những tổn thương ở trong gan có nguy cơ đề kháng của hóa chất rất cao. Với xạ trị, để đạt được liều chiếu gây tiêu hủy khối u gan lại gây tổn thương gan lành và dễ gây ra viêm gan.

“Kỹ thuật RFA đã được thế giới khuyến cáo chính thống trong điều trị UTG gan giai đoạn sớm. Trung bình hằng năm, kỹ thuật RFA đã được thực hiện khoảng 300 BN (cả UTG nguyên phát và thứ phát) - chiếm khoảng 1/3 số BN (ở Khoa Nội tiêu hóa, BV 108) có cơ hội chỉ định điều trị can thiệp để bớt khó khăn gánh nặng cho người bệnh”, TS. Thịnh chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Tiến Thịnh, khi phát hiện sớm u < 3cm chỉ cần điều trị 1 lần có thể tiêu hủy hoàn toàn khối u, giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, vẫn có BN sau điều trị bằng RFA, mặc dù đã xử lý tiêu hủy khối u gan bên phải, nhưng thời gian sau BN đến tái khám thì lại xuất hiện u ở gan trái do bệnh xuất hiện trên nền gan xơ thì nguy cơ tái phát rất cao.

Trường hợp anh Bùi Xuân N, 47 tuổi, ở Thanh Chương, Nghệ An, trước đây có tiền sử viêm gan B, được phát hiện UTG trái (khối u có kích thước 4,3x3,4cm). Anh được áp dụng kỹ thuật tối ưu nhất là RFA. “Sau nằm bất động vài tiếng, tôi có thể đi lại, sinh hoạt bình thường, sau vài ngày theo dõi sức khỏe, tôi được xuất viện”, Anh N phấn khởi. Cứ 3 tháng, anh Nam lại ra bệnh viện tỉnh khám lại 1 lần. Tuy nhiên, lần khám gần đây, thấy chỉ số AFP cao, anh N đến BV 108 kiểm tra lại thì phát hiện có khối u mới ở gan phải. Các bác sĩ tiến hành điều trị phương pháp RFA lần 2 cho anh N.

Nếu như anh N có tiền sử viêm gan B, thì trường hợp ông Chương Văn V, 74 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội trước đây không mắc bệnh gì. Tháng 8/2014, thấy người sút cân, ông V đến BV 108 khám phát hiện UTG phải (khối u có kích thước 2,7x2,4cm).

Sau khi nghe các bác sĩ tư vấn, ông V được áp dụng kỹ thuật RFA để điều trị UTG. Mặc dù sau đó ông V vẫn tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, thấy không có hiện tượng gì bất thường. Sau 4-5 tháng, ông mới khám lại thì lại phát hiện có khối u bên trái lớn quá nên phải điều trị phương pháp khác.

Ánh mắt mệt mỏi dõi nhìn lọ thuốc đang nhỏ giọt, ông V thều thào: “Chỉ nhãng đi, tôi để quá ngày khám định kỳ, nên không được áp dụng RFA. Đây là đợt hóa trị thứ hai rồi. Mỗi lần truyền người mệt hơn đốt điện nhiều”.

Chính vì vậy TS. Thịnh lưu ý: “Những người UTG đã được điều trị thì phải khám theo dõi bệnh định kỳ 3 tháng/lần”.

Phương pháp RFA có thể áp dụng cho UTG nguyên phát và UTG thứ phát và trong 1 số trường hợp hay gặp nhất như ung thư đại trực tràng di căn gan, ung thư vú di căn gan… hay các loại khối u ác tính từ các cơ quan mà di căn đến gan thì đều có thể thực hiện phương pháp RFA với điều kiện kích thước khối u dưới 3cm. Ngoài ra, phương pháp RFA có thể đốt ở những nơi như: gan, thận, phổi./
 

Theo VOV

.