Tính riêng trên địa bàn phường An Phú, quận 2 có tới 4 dự án lớn bỏ hoang là môi trường cho muỗi truyền bệnh Zika phát triển. Đó là nội dung gây lo ngại trong buổi làm việc giữ UBND thành phố và các ban ngành quận 2, nơi liên tiếp phát hiện người nhiễm Zika.

 


Trước những diễn biến nguy hiểm của dịch do vi rút Zika, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận huyện triển khai nhiều biện pháp giám sát, xử lý môi trường. Đồng thời, thực hiện tầm soát ca bệnh nghi nhiễm tại bệnh viện, phòng khám tư nhân, kể cả nhà thuốc để phát hiện sớm các ca nghi ngờ.

Giám đốc Sở Y tế cũng khẳng định đã đôn đốc các quận huyện thực hiện biện pháp vệ sinh môi trường để ngăn chặn sự phát triển của lăng quăng, muỗi gây bệnh.

Trước những thông tin báo cáo từ địa phương, bà Nguyễn Thị Thu bày tỏ sự lo ngại bởi trên địa bàn các quận huyện còn quá nhiều công trình xây dựng dang dở hoặc bỏ hoang tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Bà Thu yêu cầu quận 2 nói riêng và các quận huyện trên địa bàn thành phố nói chung phải quyết liệt triển khai diệt muỗi, lăng quăng. “Những nơi có nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi phải vệ sinh ngay, không để muỗi truyền bệnh có môi trường thuận lợi để phát triển”.

Phó chủ tịch UBND thành phố cho rằng, ý thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch Zika nói chung và các dịch bệnh truyền nhiễm khác lâu nay chưa mang lại hiệu quả. Việc phòng chống dịch bệnh đang mang tính “hô khẩu hiệu” và những báo cáo sáo rỗng trên giấy qua số liệu thống kê số lượng tờ rơi được phát ra, số buổi tập huấn đã triển khai... Do đó, bà Thu yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp truyền thông, vận động đến từng người dân, từng hộ gia đình để bà con chủ động thay đổi hành vi bằng các hành động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường sống, chủ động diệt muỗi, lăng quăng, bảo vệ sức khỏe của từng người, từng nhà.
 

Theo Vân Sơn/Dân trí

.