Cầm trên tay tờ Báo đăng tải hình ảnh các em nhỏ nằm “la liệt” trên hành lang của Bệnh viện Nhi đồng 2, tôi thấy đau buốt với thảm cảnh xảy ra các bệnh viện lớn của một thành phố luôn xưng là văn minh hiện đại.


Có lần tôi đưa một người bạn nước ngoài vào bệnh viện, khi nhìn nhiều trẻ em xanh xao, yếu ớt đang ngồi thất thểu cùng cha mẹ ngoài hành lang để chờ điều trị, chỉ vì không có giường, bạn tôi buộc miệng “vào bệnh viện không phải nằm điều trị mà phải ngồi điều trị hay sao?!”. Câu nói ấy nếu bất kỳ ai nghe được cũng không khỏi xót xa.

Thưa “ngài quan ông” Giám đốc Sở Y tế TP.HCM! Nhìn cảnh “thế hệ tương lai của đất nước” phải nằm chờ điều trị trong môi trường như vậy, liệu “ngài quan ông” có thấy xấu hổ với cương vị của mình hiện nay? Có thấy “đau” trước cảnh tượng này mỗi khi các ngài “thanh tra” bệnh viện? Có bao giờ “quan” tự hỏi nếu con cháu nhà “quan” chẳng may phải bệnh và nằm điều trị trong cảnh thương tâm như thế “ngài” sẽ làm gì?

Có lẽ “ngài” đừng đến bệnh viện thì hơn. Vì cứ mỗi lần “ngài” đến là ban lãnh đạo cùng tập thể y bác sĩ của bệnh viện đó mất tập trung. Họ phải vứt bỏ bệnh nhân lăn lóc để lo điếu đóm “ngài”. Lo báo cáo trình bày cho “ngài” về khó khăn tồn tại của bệnh viện từ năm này qua năm khác, mà “ngài” vẫn chưa xử lý được. Khó khăn của bệnh viện chỉ có thế, vẫn là những lời “than thân trách phận” rằng không đủ giường, không đủ thuốc, không đủ cơ sở hạ tầng, không đủ….

Nhưng viện phí thì luôn thu đủ! Nội cái việc mỗi lần xét nghiệm gì đó là cha mẹ chạy hộc hơi ra xếp hàng đóng tiền một cách lắt nhắt. Bỏ tạm con mình thất thểu bên hành lang, thử hỏi có ai mà không lộn ruột? Có bảo hiểm thì cũng phải xem thanh toán trước hay trả sau. Đưa con đi cấp cứu là cha mẹ lo như cầy sấy, alô gửi gắm các thể loại từ y tá đến bác sĩ, chỉ vì họ không tin vào ngành y, nhưng không còn nơi nào để đến. Nhỡ thiếu tiền hay bị trộm ngay trong bệnh viện, thì chỉ có nuốt nước mắt vào trong. Có là đại gia cũng phải ngửa tay làm ăn mày để cứu con lúc ấy.

Vâng, thành phố chúng ta luôn tự hào đi đầu, luôn tạo điều kiện cho không biết bao nhiêu người đi học Đông, học Tây về làm quản lý, giúp phát triển thành phố. Nhưng mấy chục năm qua ngành y của chúng ta thế nào? Bệnh viện tư nhân, đa phần là “sân sau” của các y bác sĩ hàng đầu đang mọc lên như nấm với dịch vụ đáp ứng tận răng. Còn cái mà thành phố mong chờ ở bệnh viện của dân, thì vẫn là hai chữ “quá tải” tồn tại cả chục năm nay. Có lẽ đối với dân bây giờ không phải là bệnh viện quá tải, mà là lãnh đạo ngành y đang “quá tải”. Quá tải về trách nhiệm và quá sức trong thực hiện y đức.
 

Theo NTD

.