Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong liên quan đến thuốc lá. So với số ca tử vong do HIV/AIDS là 48.000 ca kể từ ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên hay so với TNGT (13-14.000 ca mỗi năm), thì số người chết do khói thuốc gây ra khủng khiếp hơn rất nhiều.
Mới đây, tại buổi hội thảo đại biểu Quốc hội với chính sách, pháp luật về thuế thuốc lá, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, con số 40.000 người chết mỗi năm liên quan đến thuốc lá là quá khủng khiếp. Nếu so sánh với số người chết vì tai nạn giao thông là mười mấy ngàn, ít hơn nhưng người ta thấy rất sợ, rất khủng khiếp. Vì thế, chúng ta phải làm sao để người bệnh chết do ung thư, các bệnh khác phải cảm thấy sợ hãi như chết do tai nạn giao thông.
Cùng quan điểm này, bà Phạm Hoàng Anh, Giám đốc văn phòng Heathbridge Canada, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe và phòng chống thuốc lá cho biết. “Nhìn những hình ảnh tai nạn giao thông thương tâm và con số hơn chục nghìn người chết vì TNGT khiến ai nghe thấy cũng sợ. Nhưng thực tế, tỉ lệ người chết vì tai nạn chưa bằng ¼ số ca tử vong mỗi năm do khói thuốc gây ra. Hay như đại dịch AIDS phát hiện ở Việt Nam gần 20 năm nay thì số người chết vì cũng chỉ bằng số ca tử vong trong một năm do thuốc lá gây ra”.
Theo đánh giá của Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam.
Một báo cáo do Mỹ vừa công bố cũng cho thấy khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học thay vì 4.000 chất được công bố trước đây, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư, đó là axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K cho thấy những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng chết sớm hơn người không hút đến 20 năm.
Đặc biệt, những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Ngoài ra, trẻ phải ngửi khói thuốc thụ động cũng hay mắc các bệnh lý như viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổng kết báo cáo của 1200 bệnh viện cho thấy các bệnh không lây nhiễm chiếm 67-73% số người bệnh đang nằm viện điều trị, gây quá tải cho hệ thống y tế. Trong đó chủ yếu là do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây nên: tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ; 97,8% các bệnh ung thư phổi là liên quan đến thuốc lá. ất nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 1990, lượng thuốc lá người Việt sử dụng rất ít hơn 1 tỷ bao. Còn với 5 tỷ bao tiêu thụ vào năm 2013 thì đợi 20-30 năm nữa hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, cùng với già hóa dân số, các bệnh ung thư, chuyển hóa, tim mạch sẽ rất nặng nề, tốn kém.
Theo Dân trí