Mấy ngày qua, thông tin về 3 cháu bé sơ sinh ở Quảng Trị bị tử vong sau khi tiêm vắc - xin viêm gan B khiến dư luận bàng hoàng, lo sợ. Nhiều chuyên gia quan ngại, thuốc tân dược- loại hàng hoá đặc biệt- kém chất lượng được nhập khẩu vào trong nước sẽ mang lại hậu quả khôn lường, thậm chí người bệnh có khi phải đánh đổi cả tính mạng với cơ chế đấu thầu giá rẻ…
 
Đấu thầu thuốc- "tiền nào của nấy"?
 
Sáng 20/7, tại bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị), 3 trẻ sơ sinh đã tử vong sau khi được tiêm chủng ngừa viêm gan B (sau 24 giờ kể từ lúc sinh-PV). Được biết, sau khi tiêm xong thì cả 3 cháu bé bắt đầu lịm dần, người tím tái và 2 giờ sau thì tử vong. Ông Võ Quy Nhơn- trưởng phòng Y tế huyện Hướng Hoá khẳng định: "Trước khi tiêm phòng các trẻ này đều bình thường, khi xảy ra sự cố thì các y bác sĩ tại bệnh viện đa khoa huyện không kịp trở tay vì lần đầu tiên gặp trường hợp này".
 
Sự cố xảy ra ở Quảng Trị không phải là hy hữu, tại TP.HCM và một số tỉnh từng có tình trạng trẻ sốc phản vệ sau khi chích mũi đầu vắc - xin viêm gan B, tuy nhiên theo các chuyên gia về tiêm chủng, hiếm khi xảy ra 3 trẻ tử vong sau khi cùng tiêm một lúc ở một điểm ngừa như ở Quảng Trị.
 
Sau sự cố trên, không ít chuyên gia y tế cũng tỏ ra quan ngại về chất lượng và nguồn gốc thuốc giá rẻ khi tỉnh Quảng Ngãi vừa nhận thầu được lô thuốc giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái. Liệu việc đấu thầu thuốc giá rẻ có rơi vào tình trạng "tiền nào của nấy"?
 
Theo tìm hiểu của PV, thực hiện đấu thầu giá thuốc theo chủ trương của liên bộ Y tế - Tài chính, năm nay, sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã mua 6 gói thầu thuốc với tổng trị giá 67 tỷ đồng. Giá thuốc vào bệnh viện giảm gần 30% nhưng người bệnh lại hoang mang, lo lắng vì ít có cơ hội được sử dụng thuốc tốt. Bởi, theo quy chế đấu thầu thuốc, ngoài yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định nhưng nếu được chọn mua thì phải có giá thấp.
 
Thuốc nội bị lấn át ngay trên sân nhà. (Ảnh minh hoạ)
Thuốc nội bị lấn át ngay trên sân nhà. (Ảnh minh hoạ)
 
Được biết, có rất nhiều loại thuốc mà sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi vừa mua có giá chỉ bằng 1/3 thuốc cùng loại của năm ngoái. Trả lời báo chí, ông Bùi Văn Long, Phó giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: "Quy định mới ở Thông tư 01 của liên bộ Y tế -Tài chính chỉ chú trọng giá thuốc, chưa đề cập về nguồn gốc nguyên liệu. Giá thầu theo Thông tư 01 này chỉ được chọn một mặt hàng giá rẻ nhất, nên thuốc giá rẻ vào bệnh viện là điều tất nhiên. Giá thuốc tại các bệnh viện ở tỉnh Quảng Ngãi đã giảm, điều đó thật đáng mừng. Tuy nhiên, cả người bệnh và bác sĩ điều trị đều tỏ ra lo ngại về chất lượng thuốc không đảm bảo hiệu quả điều trị?".
 
Tiết kiệm 20-30% chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế
 
Theo đánh giá sơ bộ, công tác đấu thầu mua thuốc theo quy định mới của bộ Y tế trong 6 tháng đầu năm đã tiết kiệm được 20-30% chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế. Tại một số sở Y tế, giá trúng thầu theo quy định mới đã giảm đáng kể so với năm trước. Sở Y tế Quảng Ngãi giảm khoảng 28 tỷ đồng (giảm 24%); sở Y tế Quảng Ninh giảm được khoảng 40 tỷ đồng (20%); sở Y tế Hà Tĩnh tiết kiệm được khoảng 32 tỷ đồng (25%)...

Cũng theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, thuốc nhập khẩu có chất lượng không cao nhưng giá rẻ dễ dàng xâm nhập được vào các bệnh viện nhờ lợi thế cạnh tranh về giá. Trao đổi với PV, bác sĩ Đào Thị Dung- Phó giám đốc bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) nhận định: "So với những quốc gia cung cấp nguồn thuốc có chất lượng cao ở châu Âu hay châu Mỹ thì thuốc có nguồn gốc xuất xứ từ các quốc gia như Âën Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Trung Quốc... vẫn được xem là có chất lượng thấp hơn, thậm chí rất nhiều loại thuốc của họ có chất lượng chỉ tương đương với thuốc trong nước. Cũng vì thế, đa số Hội đồng đấu thầu thuốc của các bệnh viện ở Hà Nội cũng như ở bệnh viện chúng tôi, khi đấu thầu thuốc bao giờ cũng áp hình thức nhân hệ số hay tính điểm. Chẳng hạn, thuốc sản xuất trong nước và thuốc có nguồn gốc xuất xứ từ các nước phát triển, có chất lượng cao đã được công nhận thì sẽ được ưu tiên lấy giá gốc rồi nhân với hệ số thấp, ngược lại, thuốc có nguồn gốc xuất xứ từ các nước đang phát triển có chất lượng thấp hơn thì sẽ phải nhân với hệ số cao".

 
Bác sĩ Dung cho biết, đây là biện pháp để tạo sự cân bằng hơn trong cạnh tranh giữa thuốc có chất lượng với thuốc chất lượng thấp hơn, giữa thuốc sản xuất trong nước với nước ngoài. Theo nguyên tắc đấu thầu thuốc vào bệnh viện, cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất, thì thuốc của hãng nào có giá rẻ hơn, dù chỉ là 500 đồng sẽ vẫn trúng thầu, không phân biệt đó là thuốc có nguồn gốc xuất xứ từ nước nào?! Lý do, vì khi đã cấp phép cho thuốc của một quốc gia khác vào thị trường nước ta thì đơn vị cấp phép (là cục Quản lý Dược) đã phải thẩm định chất lượng.
 
Thực tế, thuốc có chất lượng thấp hơn thì giá cả bao giờ cũng rẻ hơn nên khi bị bắt buộc nhân với hệ số cao hơn thì lợi thế về giá sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, bác sĩ Dung cũng chia sẻ, do thuốc của Âën Độ, Trung Quốc khi vào Việt Nam đều có giá rất rẻ, cùng một loại thuốc nhưng thuốc của họ có khi rẻ hơn cả chục lần so với thuốc nhập từ châu Âu nên nhiều loại, dù đã bị nhân với hệ số cao khi đấu thầu, song mức giá cuối cùng vẫn thấp hơn thuốc có nguồn gốc từ các nước phát triển nói trên và đương nhiên trúng thầu vào các bệnh viện.
 
Cơ chế đấu thầu "cố sát" doanh nghiệp nội?
 
Có những loại thuốc khi sử dụng mới phát hiện "có vấn đề"
 
Theo TS. Trương Quốc Cường, cục trưởng cục Quản lý Dược  bộ Y tế thì các sản phẩm thuốc khi nhập vào Việt Nam đều được kiểm nghiệm chất lượng, theo dõi các phản ứng phụ và thu hồi nếu phát hiện sản phẩm không đạt những chỉ số như công bố. Nhưng, thực tế có những loại thuốc, nhất là thuốc mới, có khi phải sử dụng trên người bệnh mới phát hiện có vấn đề. Khó khăn nữa là hiện nay với những loại thuốc nhập khẩu, khả năng của hệ thống kiểm nghiệm dược trong nước về cảnh báo độc tố vẫn còn nhiều hạn chế.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, năm 2010, tổng số tiền mua thuốc của các bệnh viện công lập là 15.000 tỷ đồng, trong đó số tiền dành mua thuốc nội chiếm chưa đến 40%. Năm 2012, tỷ lệ này được cải thiện hơn chút ít song ở các bệnh viện tuyến trung ương thì vẫn chỉ chiếm 10% - 20%.

 
Theo một chuyên gia dược, nguyên liệu Cefoperazon nhập từ Thụy Sĩ với giá hơn 360 USD/kg, từ Trung Quốc chỉ 200 USD/kg; nguyên liệu Ceftazidim mua từ Pháp có giá từ 500 đến 550 USD/kg nhưng nhập từ Trung Quốc giá 150 USD/kg hay Cefixim nhập từ Italy giá 360 USD/kg trong khi nguyên liệu này từ Ấn Độ giá chỉ 170 USD/kg... Do đó, Thông tư 01 đang tạo ra sự bất bình đẳng và bất cập, khiến ngành công nghiệp dược trong nước đang có xu hướng đi thụt lùi khi thuốc giá rẻ Trung Quốc, Ân Độ đang chiếm dần thị phần.
 
Dù mới chỉ khảo sát sơ bộ thuốc trúng thầu vào bệnh viện ở 9 tỉnh, thành trong tháng 6 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Ấn Độ đang dẫn đầu và Trung Quốc lần đầu tiên lọt vào top 5 về thuốc ngoại trúng thầu.
 
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai cho biết, Việt Nam đang nhập khẩu quá nhiều thuốc ngoại, kể cả những loại thuốc thông thường mà trong nước cũng sản xuất được. Nhiều người quan niệm thuốc ngoại là tốt, nhưng thực tế, thuốc nội và thuốc ngoại đều là thuốc generic, có hàm lượng tương đương. Cùng đó, tâm lý, thói quen sử dụng thuốc của người dân cũng là một nguyên nhân. Hiện nay, người dân nước ta vẫn có thói quen "sính" thuốc ngoại, mua thuốc không cần hóa đơn chứng từ, dẫn đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng có cơ hội tiêu thụ.
 
Một thực tế nữa cũng đang diễn ra là nếu như thuốc trong nước bị phát hiện kém chất lượng, cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy trách nhiệm đến tận nhà sản xuất, thì với thuốc nhập khẩu kém chất lượng, trước nay hầu như chỉ giải quyết đến khâu ngừng cấp phép lưu hành là tối đa.
 
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa - hiệu trưởng đại học Dược Hà Nội cho biết: “Việc tuyên truyền, quảng cáo của thuốc nội bị khống chế là 10% doanh thu còn ở thuốc ngoại không bị khống chế như vậy. Trong khi các loại thuốc nội được quản lý rất chặt chẽ thì giá thuốc nhập ngoại được quản lý bằng cách đối chiếu, tham khảo giá ship (giá gốc của nước sản xuất), tuy nhiên rất khó để biết được giá ship thực tế của các loại thuốc nhập khẩu là như thế nào. Tất cả những yếu tố đó khiến cho cơ hội của thuốc ngoại, kể cả thuốc nhập khẩu kém chất lượng vào Việt Nam là rất lớn, thuốc nội bị lấn át ngay trên sân nhà”.    
 
Theo Giang-Anh
Nguoiduatin.vn
.