Khi thời tiết thay đổi đột ngột là điều kiện thuận lợi cho cơn hen tái phát. Cơn co thắt phế quản xảy ra thường kéo theo những biểu hiện như thở khò khè, khó thở dữ dội và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được dự phòng và xử trí kịp thời.

 


Thuốc điều trị bệnh hen được xếp thành hai nhóm: thuốc cắt cơn hen và thuốc dùng dài hạn (thuốc dự phòng). Tất cả bệnh nhân hen, lúc nào cũng nên có sẵn trong người ống thuốc hít cắt cơn hen để sẵn sàng hít ngay khi thấy triệu chứng hen xuất hiện. Thuốc dự phòng giúp ngăn ngừa cơn hen xảy ra. Khi dùng đầy đủ và đều đặn, thuốc dự phòng hen làm giảm sự co thắt và sự viêm ở đường dẫn khí. Vì vậy, thuốc dự phòng hen nên được sử dụng dài hạn, thậm chí suốt đời khi mà bệnh hen chưa được kiểm soát triệt để.

Thuốc dự phòng hen

Thuốc dự phòng hen là những thuốc hít chứa corticosteroid hoặc thuốc giãn phế quản (giãn đường dẫn khí) tác dụng kéo dài, có loại thuốc phối hợp cả corticosteroid và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.

Thuốc hít chứa corticosteroid: có tác dụng trực tiếp trên phổi giúp làm giảm phù nề đường dẫn khí. Do thuốc hít corticosteroid đi thẳng vào đường dẫn khí (nơi cần thuốc đến tác dụng) nên ít có tác dụng xấu ảnh hưởng trên cơ thể như thuốc corticosteroid dạng uống (corticosteroid dạng uống khi sử dụng thì thuốc đi đến mọi nơi trong cơ thể). Để giúp dự phòng ho, khò khè, hay các triệu chứng khác của hen, thuốc hít corticosteroid khi được bác sĩ kê toa, bạn nên dùng đều đặn mỗi ngày, ngay cả khi không có triệu chứng hen. Thuốc hít corticosteroid cũng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương đường dẫn khí. Tổn thương này có thể xảy ra khi hen không được điều trị. Trên thị trường hiện nay, thuốc hít corticosteroid có những hoạt chất như: beclomethasone, budesonide, fluticasone...

Các thuốc làm giãn đường dẫn khí tác dụng kéo dài: cũng được sử dụng trong điều trị dự phòng hen. Các thuốc này làm giãn cơ trơn bao quanh đường dẫn khí nên giúp đường dẫn khí mở rộng ra. Khi được sử dụng đầy đủ và đều đặn, các thuốc làm giãn đường dẫn khí tác dụng kéo dài giúp làm giảm sự co thắt đường dẫn khí, cải thiện chức năng phổi, ngăn chặn các triệu chứng hen, kết quả là làm giảm thiểu sự cần thiết dùng thuốc hít cắt cơn. Các thuốc hít làm giãn đường dẫn khí tác dụng kéo dài thường được sử dụng, có những hoạt chất sau: salmeterol, formoterol...

Thuốc cắt cơn hen

Thuốc giãn đường dẫn khí tác dụng ngắn: bệnh nhân hen thường xuyên có sẵn trong người ống thuốc hít cắt cơn hen để sẵn sàng hít ngay khi thấy triệu chứng hen xuất hiện. Thuốc cắt cơn hen làm giãn cơ trơn bao quanh đường dẫn khí, gồm các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh và ngắn. Chỉ dùng thuốc này khi có các biểu hiện của cơn hen như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực. Nếu không có các biểu hiện này thì không cần dùng thuốc cắt cơn. Các thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn gồm các hoạt chất: salbutamol, terbutaline, bambuterol...

Corticosteroid dùng đường toàn thân: các thuốc corticosteroid dùng đường toàn thân được sử dụng trong điều trị những cơn hen cấp độ trung bình đến nặng. Các thuốc này chặn đứng phản ứng viêm và vì vậy nhanh chóng cắt cơn hen. Các corticosteroid dùng đường toàn thân cũng giúp làm giảm nguy cơ bị cơn hen trở lại.

Khuyến cáo của thầy thuốc

Tuy dinh dưỡng không đóng vai trò quyết định trong điều trị bệnh hen như dược phẩm, nhưng lại góp phần quan trọng phòng ngừa và kiểm soát bệnh hen suyễn. Để phòng và điều trị bệnh hen hiệu quả, người bệnh hen nên giảm lượng thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-6 (có nhiều trong các loại dầu ăn như dầu đậu nành, dầu bắp, dầu hạt hướng dương...) và tăng thực phẩm giàu omega-3 (có nhiều trong rau lá xanh, dầu hạt cải, đặc biệt có nhiều trong các loại cá biển như cá ngừ, cá mòi, cá hồi, cá thu, cá trích...). Người bệnh cũng cần tăng cường các chất dinh dưỡng có tính chống ôxy hóa bao gồm: glutathione, vitamin C, vitamin E, beta-caroten là tiền chất vitamin A... Những chất này có nhiều trong các loại trái cây (nho, bưởi, mận, dâu, cam, dứa...), rau quả và rau mầm, trái cây khô, các loại đậu, hạt... Cần tránh xa các tác nhân gây bệnh như: bụi, khói thuốc lá, lông thú nuôi trong nhà... Cần giữ ấm cơ thể khi trời lạnh để tránh các cơn hen cấp tính.

 

Theo SK&ĐS