Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng công khai rao bán một loại “cần sa y tế”, với những lời quảng cáo sản phẩm như một loại thần dược, từ chữa ung thư, nghiện rượu, đến vẩy nến, thậm chí còn quảng cáo “phụ nữ mang thai dùng chất này thì con sinh ra sẽ bớt… cáu kỉnh”.
 


Thậm chí trên các trang mạng còn quảng cáo “thổi phồng” cái thứ tinh dầu gây nghiện này như thần dược chữa bách bệnh như: “Trong vòng 60 ngày dầu cần sa chữa trị vùng ung thư da melanoma đã hoại tử ăn vào xương là 7mm gần như vùng da bình thường”... Trong khi đó, theo đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, hiện Việt Nam chưa có khái niệm như thế nào là cần sa y tế. Hiện chỉ có morphine, là chất chiết xuất từ cây cần sa được sử dụng trong điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ tại bệnh viện.

Như vậy việc giới thiệu cần sa y tế trên các trang mạng như hiện nay là trái quy định pháp luật. Theo Nghị định 82 năm 2013, cần sa là chất cấm nằm trong danh mục 1, nghĩa là chất ma túy tuyệt đối cấm. Mọi hành vi mua bán hay môi giới, giới thiệu công dụng của chất này đều bị xử lý theo pháp luật.

Ngày 8-12, trao đổi với báo chí về thông tin này, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư Quốc gia khẳng định, việc dùng cần sa hay “cần sa y tế” để chữa bệnh ung thư hiện nay chưa có bất cứ một nghiên cứu khoa học chính thức nào. Việc một số trang mạng quảng cáo cần sa có thể chữa khỏi ung thư, thậm chí tốt cho bà mẹ mang thai lại càng không có cơ sở khoa học.

Không những thế, việc dùng cần sa chữa bệnh không có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa còn để lại những hậu quả khó lường. Nếu dùng nhiều có thể gây nghiện hoặc một số biến chứng khác như buồn nôn, hoặc gặp một số biến chứng về tiêu hóa, tim mạch… Nguy hiểm hơn, nếu không được kiểm soát thì sẽ gây ra hệ lụy đối với xã hội đó là gia tăng số người nghiện ma túy.

Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện K, nếu đã bị ung thư thì cần phải điều trị theo những biện pháp chính thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... Việc sử dụng kết hợp nhiều phương pháp phụ thuộc vào từng người bệnh và cơ địa người bệnh. Người dân tuyệt đối không nên nghe theo những tin đồn mà bỏ mất cơ hội chữa khỏi bệnh của mình.

Chưa chết vì bệnh đã khánh kiệt

Liên quan đến điều trị ung thư, nhiều chuyên gia y tế cho biết, đa số bệnh nhân mắc ung thư tại Việt Nam hiện nay, trước hoặc trong quá trình điều trị đã tự ý điều trị bằng nhiều biện pháp khác như Đông y, theo bài thuốc của các thầy lang trong cộng đồng, thậm chí là cúng bái… khiến cho tài chính nhanh chóng kiệt quệ. Thực tế rất nhiều bệnh nhân chưa chết vì ung thư thì đã chết vì… khánh kiệt. Những số liệu nghiên cứu cũng cho thấy, 41% người mắc ung thư sống sót sau 1 năm phải đối mặt với hệ lụy tài chính nặng nề. Sau 12 tháng điều trị, có đến 66% người bệnh phải đi vay tiền, số lớn khác phải bán đi tài sản, tiêu số tiền đã tiết kiệm từ trước đó.

TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu phân tích, chi phí điều trị trung bình cho lần nhập viện đầu tiên của bệnh nhân ung thư khoảng 6,8 triệu đồng, còn tính cả quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân phải chi tới trên 100 triệu đồng. Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, việc phát hiện sớm, điều trị sớm các trường hợp ung thư sẽ giúp công tác điều trị đơn giản hơn, chi phí chỉ bằng 20% so với điều trị muộn. Thế nhưng đáng tiếc ở nước ta hiện mới có 24% bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm (giai đoạn 1 và 2), đa số còn lại được phát hiện điều trị muộn nên vừa tốn kém mà cơ hội thành công rất ít.

Theo ghi nhận của Tổ chức Ung thư toàn cầu, mỗi năm toàn thế giới có 14,1 triệu người mắc mới và có 8,2 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 150.000 ca mắc ung thư mới, khoảng 70.000 người tử vong và dự báo đến năm 2020, nước ta sẽ có 190.000 trường hợp mắc ung thư mới, là một trong những nước có số ca mắc, tử vong do ung thư cao nhất thế giới.
 

Theo ANTĐ

.