(BVPL) - Kho thuốc của Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM đã để tồn 2 vạn viên thuốc đặc trị quý tên là Tasigna để chữa bệnh bạch cầu mãn dòng tủy. Hai vạn viên thuốc quý, tổng trị giá gần 14 tỷ đồng, đã bị hết hạn sử dụng từ tháng 5.2015, tức là cách đây 2 năm, vào hiện tại phải lập biên bản để tiêu hủy. Trong khi đó, còn rất nhiều người bệnh đang cần thuốc thì không có để dùng.

 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
 
Các đơn vị liên quan như Bệnh viện TMHH TP.HCM, Sở Y tế, Hải quan thành phố dù đã viện ra nhiều lý do để khẳng định hành động của mình là theo đúng các thủ tục. Khi xử lý số thuốc viện trợ tổng trị giá 40 tỷ đồng từ Công ty Novartis Pharma AG Thụy Sĩ thông qua tổ chức phi chính phủ The Max Foundation của Mỹ, những bằng chứng đưa ra đã cho thấy một sự tắc trách và cẩu thả từ nhiều phía. Theo một cách trực tiếp, thì đó là sự lạnh lùng, vô cảm và thiếu trách nhiệm của một số đơn vị được xem là tác nhân để xảy ra tình trạng trì trệ trong khâu làm thủ tục để nhập lô thuốc này, mà trách nhiệm trước tiên là bệnh viện TMHH TP. HCM.
 
Ông Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện TMHH TP.HCM lý giải về sự việc trên rằng ngày 30.12.2013, bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM xin thực hiện chương trình thuốc Tasigna. Nhưng mãi đến ngày 10.3.2014 Sở Y tế mới có văn bản gửi UBND TPHCM và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TPHCM đề nghị chấp thuận đề xuất của sở cho bệnh viện. Thế rồi, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP HCM lại tiếp tục kéo dài đề xuất của họ thêm 3 tháng nữa. Đến 24.6.2014, UBND TP.HCM mới có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô hàng viện trợ và đến ngày 14.7.2014, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô thuốc. Như vậy hai cơ quan là Sở Y tế TPHCM và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TPHCM đã kéo dài đến 6 tháng hồ sơ xin nhập thuốc Tasigna. 
 
Bên cạnh đó, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đang yêu cầu Cục Hải quan TPHCM rà soát, báo cáo toàn bộ quy trình nhập khẩu thuộc phạm vi của đơn vị. Được biết, chính sách quản lý thuốc nhập khẩu hiện nay là theo quy định, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu lô hàng thì thuốc khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy đăng ký lưu hành hoặc có giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực.
 
Ngoài ra, thuốc phải đáp ứng quy định về hạn sử dụng như: thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo, thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện và thuốc hiếm phải có hạn dùng lớn hơn hoặc bằng 24 tháng, hạn dùng còn lại của thuốc phải còn tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam. Trường hợp thuốc có hạn dùng dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại kể từ ngày đến cảng Việt Nam tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc. Nếu nơi nào không thực hiện đúng quy định trên và làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Chuyện đáng phải kiểm điểm này đã làm rõ hơn phần nào trách nhiệm của từng khâu một ở các đơn vị, để rồi từ đó rút kinh nghiệm. Chúng ta đã thấy một điều, đó là thủ tục hành chính trong các cơ quan nhà nước đã và đang góp phần tạo tâm lý bức xúc cho những cá nhân và đơn vị thực hiện cảm thấy đi đâu cũng vướng phải sức ỳ của bộ máy. 
 
Đây là lúc cần gióng lên hồi chuông báo động về thái độ làm việc của các công nhân viên chức nhà nước. Nếu như mọi người chết vì bệnh hiểm nghèo là đành rằng không còn cách nào khác. Còn ở đây, người bệnh đang điều trị vẫn có thể chết chỉ vì lô thuốc đã nhập về cảng nhưng không đúng thủ tục nên không được trả cho bệnh viện kịp chữa trị cho bệnh nhân thì thật là trớ trêu!
 
Thùy Hương (t/h)
 
.