Ngày 20-7, trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, trong ngày 19-7 đã có trên 100 bệnh nhân ở Hưng Yên đến BV Da liễu Trung ương khám và có 11 bệnh nhi được phát hiện bị sùi mào gà phải nhập viện. Trong đó, có 6 trẻ bị bệnh nặng. Số trẻ này đều thuộc huyện Khoái Châu.
 
PGS.TS. Nguyễn Văn Thường cho biết thêm, BV đã nhận được văn bản của UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên thăm khám, điều trị cho các trường hợp mắc bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng tránh nhằm ngăn ngừa các trẻ mắc mới trong cộng đồng; đồng thời, điều tra làm rõ nguyên nhân lây bệnh của các cháu bé … 
 
Công an tỉnh Hưng Yên cũng đã có công văn đề nghị BV phối hợp làm rõ nguyên nhân với việc cung cấp hồ sơ bệnh án, số lượng trẻ bị bệnh đến điều trị tại BV thời gian qua. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã chính thức đề nghị BV Da liễu Trung ương phối hợp thành lập và tham gia Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân tình trạng các bệnh nhi mắc bệnh sùi mào gà tại Khoái Châu.
 
Theo Giám đốc BV Da liễu Trung ương, để làm rõ nguyên nhân vụ việc, BV sẽ tiến hành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về vụ việc hàng loạt bé trai mắc sùi mào gà tại Khoái Châu, Hưng Yên để điều tra một cách khoa học, tiến hành làm PCA định tuýp, lấy máu mẹ, máu bố và bệnh nhi để xét nghiệm, nghiên cứu quan hệ chéo. Từ đó, mới có cơ sở kết luận được nguyên nhân của vụ việc bất thường này.
 
 PGS. TS. Lê Hữu Doanh trao đổi với phóng viên
PGS. TS. Lê Hữu Doanh trao đổi với phóng viên
 
PGS. TS. Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương, là người trực tiếp kiểm tra tại cơ sở y tế của bà Hoàng Thị Hiền tại Khoái Châu cho biết, tới đây, Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân tình trạng các bệnh nhi mắc bệnh sùi mào gà tại Khoái Châu sẽ bao gồm các chuyên gia về da liễu, dịch tễ, sinh hóa, nhi khoa… nhằm đánh giá khách quan nguồn lây bệnh sùi mào gà trong cộng đồng. 
 
Ngày 19-7, BV Da liễu Trung ương đã tiến hành chuyển giao công nghệ Laser trong điều trị các bệnh lây truyền tình dục cho cán bộ y tế tại Hưng Yên.
 
Trước băn khoăn của chúng tôi về việc liệu có khả năng các cháu bé lây bệnh từ gia đình hay không, PGS. TS. Lê Hữu Doanh cho biết: "Khi điều trị bệnh sùi mào gà cho trẻ em, bao giờ chúng tôi cũng phải tiếp cận bố mẹ. Chúng tôi đã khám, làm xét nghiệm ở cả bố mẹ và người chăm sóc trẻ để loại trừ. Kết quả cho thấy những trường hợp này con bị nhưng bố mẹ không bị bệnh và các em đều có sự can thiệp về mặt y tế trước đó tại cơ sở của bà Hiền".
 
Bên cạnh đó, BV đã cung cấp danh sách bệnh nhi bị mắc sùi gà trong thời gian gần đây đã và đang điều trị tại BV cho Sở Y tế Hưng Yên, để Sở kiểm tra, xác minh về mặt nhân khẩu cũng như mối liên quan giữa các bệnh nhi này với những người lớn mắc sùi mào gà tại Hưng Yên vừa qua.
 
Một số chuyên gia cho rằng, cùng với việc loại trừ nguồn lây từ gia đình thì việc các cháu bé bị mắc bệnh sau khi đến phòng khám của bà Hiền ở các thời điểm khác nhau cho thấy có thể nguồn lây từ đây.
 
 Cháu Đỗ Văn Đ. đã phải nằm viện điều trị 11 ngày.
Cháu Đỗ Văn Đ. đã phải nằm viện điều trị 11 ngày.
 
Để tìm hiểu vì sao lại có nhiều trẻ ở Khoái Châu phải cắt hoặc nong bao qui đầu nhiều thế, chúng tôi đã trao đổi với bà Đỗ Thị M. xã Đông Kết, huyện Khoái Châu - bà ngoại của cháu Đỗ Văn Đ. là bệnh nhi bị nặng nhất đang nằm điều trị tại BV Da liễu Trung ương và được bà cho biết: 
 
Ở địa bàn, mỗi khi trẻ bị bệnh là các gia đình mang đến nhà bà Hiền để điều trị chứ không đưa đến bệnh viện. Rất nhiều cháu khi đến đây đều được bà Hiền cho biết bị hẹp bao quy đầu, phải cắt hoặc nong bao qui đầu, nếu không lớn lên bị u xơ tiền liệt tuyến và không có con. Vì thế các gia đình đều đồng ý để bà Hiền cắt/nong bao qui đầu cho trẻ. Hai năm trước, bà M. cũng từng đưa cháu nội đến để bà Hiền cắt bao qui đầu.
 
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương Hoa –người trực tiếp điều trị cho các bé cho biết, trong số các bé bị sùi mào gà sau khi đã cắt/nong bao qui đầu, vẫn có nhiều cháu bị hẹp bao qui đầu và đã được hội chẩn để cắt bao quy đầu.
 
Chỉ trong hơn 2 tháng vừa qua, số bệnh nhân mắc sùi mào gà ở Khoái Châu đã chiếm gần 70% số bệnh nhân mắc sùi mào gà ở BV Da liễu Trung ương. Hiện tại, vẫn còn gần 20 bệnh nhi đang được điều trị tại đây, đều là các trường hợp nặng. Số còn lại đã được điều trị ổn định, xét nghiệm kết quả không thấy có virus bệnh nữa, nhưng các bé vẫn phải tái khám định kỳ 3 tháng và 6 tháng/lần.  
 
PGS.TS Lê Hữu Doanh khuyến cáo 
 
Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục, chủ yếu ở người lớn. Lây truyền qua tiếp xúc là có nhưng virus HPV không phải quá dễ lây mà thường phải có sự hiện diện của virus, đồng thời da, niêm mạc phải có tổn thương,xây xước mới có thể lây nhiễm. Sùi mào gà có lây ra trẻ khác hay không hoặc lây cho người lớn nếu trẻ bị bệnh và không bị bệnh sử dụng chung vật dụng và được chăm sóc chung từ một người lớn thì nguy cơ có thể xảy ra. Trường hợp trẻ em lây sang người lớn thì khó hơn.
 
Người bệnh điều trị bệnh sùi mào gà bắt buộc phải tới cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị. Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí tổn thương, tuổi của người mắc mà có phương pháp điều trị khác nhau như bôi thuốc, xịt hoặc áp nitơ, sử dụng laser, đốt điện hoặc phẫu thuật cắt bỏ tổn thương.

 

 
 
Theo Thanh Hằng/Công an nhân dân
.