Trên 38 triệu người bình phục là số liệu được đưa ra trong khi có tổng hơn 55 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh COVID-19.

Nước Mỹ vẫn đứng đầu với số ca nhiễm 11.518.670 người, số người chết đã lên con số 252.534 người. Giới chức Mỹ lo lắng khi có nhiều nhân viên mật vụ Nhà trắng bị nhiễm bệnh.

Nước đứng thứ hai đó là Ấn Độ với gần 9 triệu người nhiễm bệnh và hơn 130.000 người tử vong. Nhiều bệnh viện ở Ấn Độ đã rơi vào tình trạng quá tải.

leftcenterrightdel
Dịch COVID-19 vẫn chưa dừng lại ở Châu âu 

Brazil, nước đứng thứ 3 về số người nhiễm với gần 6 triệu ca. Hơn 166.000 người chết vì bệnh dịch ở nước này. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc điều trị thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.

Tiếp theo đó là những nước có trên 1 triệu ca nhiễm như Pháp, Anh. Các nước Châu âu đã có hàng loạt nước có lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch. Tuy nhiên, người dân thì không muốn có sự phong tỏa và nhiều nơi đã có biểu tình phản đối chính phủ.

Đối với Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 470.684 ca nhiễm, trong đó người chết là 15.296. Tổng thống Indonesia Widodo cho biết nước này đã xin cấp phép khẩn cấp cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 hàng loạt để đối phó đại dịch.

Philippines có 409.574 ca nhiễm và 7.839 ca tử vong. Nước này là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Quá trình chống Covid-19 tại nước này đang gặp nhiều khó khăn do bão lớn liên tiếp đổ bộ, khiến người dân phải đi sơ tán tại các địa điểm đông người và thiếu biện pháp an toàn ngăn virus lây lan.

Việt Nam cho đến nay có 1283 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1124 ca đã được chữa khỏi. Những ca nhiễm bệnh trong khoảng gần 3 tháng trở lại đây đều là những người nhập cảnh từ nước khác vào Việt Nam, không có lây nhiễm cộng đồng. Hiện, Việt Nam là nước đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.

Hoài Thu