“Sởi là một bệnh cực kỳ dễ lây. Thời gian qua tại những vùng lõm vẫn rải rác các ca mắc sởi, trong đó có Hà Nội. Nếu không triển khai tốt chiến dịch tiêm chủng, không duy trì tốt lịch tiêm chủng cho trẻ đến tuổi tiêm mới nguy cơ dịch sởi là rất lớn".

 


TS Trần Đắc Phu cho biết, tính đến ngày 25/11, đã có hơn 9,5 triệu trẻ được tiêm miễn phí trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella. Trong hơn 9 triệu trường hợp được tiêm, tỉ lệ gặp phản ứng sau tiêm chủng rất thấp, dưới ngưỡng cho phép của thế giới. Hầu hết các phản ứng sau tiêm được ghi nhận là những phản ứng nhẹ, thông thường như: sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, tự khỏi sau 2-3 ngày. Số hoãn tiêm, chống chỉ định chiếm 2%.

Như vậy, các địa phương đã hoàn thành đợt 1 trong chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho 23 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14 tuổi. Trong tháng 11 và 12/2014, các tỉnh thành đang tiến hành tiêm đợt 2, đợt 3 sẽ được tổ chức trong tháng 1-2/2015.

“Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 95%. Vì vậy, việc rà soát đối tượng tiêm, tổ chức tiêm vét sẽ làm rất chặt chẽ. Với chỉ định tiêm chủng cũng sẽ xem xét, tránh trường hợp chống chỉ định quá rộng, bởi vắc xin sởi - rubella cơ bản là an toàn”, TS Phu cho biết.

Liên quan đến những thông tin về trẻ ngất, nhập viện (chủ yếu rơi vào nhóm học sinh Trung học cơ sở) sau khi tiêm vắc xin, TS Phu cho biết, chiến dịch được triển khai cuốn chiếu theo độ tuổi, đợt vừa rồi, số trẻ được tiêm chủ yếu là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, đây là nhóm dễ bị ảnh hưởng tâm lý và có thể xảy ra tình trạng phản ứng tập thể lo sợ.

Thực tế, các vụ việc tại TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Thanh Hóa… học sinh ngất sau khi tiêm đều đã được xác định là do tâm lý, có em thì hạ đường huyết, can xi máu… sau khi được chăm sóc tâm lý, dinh dưỡng thì hoàn toàn trở lại bình thường.

Để hạn chế phản ứng dây truyền vì tâm lý này, ngành y tế đã hướng dẫn các địa phương bố trí nơi chờ thoáng mát, giảm thời gian chờ đợi trước tiêm; phòng tiêm được bố trí riêng biệt đảm bảo việc chuẩn bị vắc xin, quá trình tiêm không nằm trong tầm nhìn của các trẻ đang chờ tiêm... Theo dõi các trẻ sau tiêm cần được bố trí riêng tránh tập trung quá đông, gây căng thẳng cho trẻ. Cán bộ y tế cũng được tập huấn để xử trí đúng và kịp thời khi có phản ứng tâm lý.

Được biết, hiện dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang tiến hành đánh giá nhanh kết quả của chiến dịch tại 2 tỉnh nhằm đánh giá đúng kết quả của chiến dịch và những lý do người dân không đến tiêm vắc xin để kịp thời rút kinh nghiệm.

Theo tiến sĩ Phu, một số bà mẹ vẫn có tâm lý lo ngại lo lắng phản ứng sau tiêm. “Tôi đảm bảo vắc xin an toàn. Biểu hiện sốt hay phản ứng tâm lý dây chuyền đều nằm trong những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Thực tế tiêm chủng, tỉ lệ gặp các phản ứng sốt, đau tại chỗ… còn thấp hơn so với khuyến cáo của WHO. Là những người làm chuyên môn, trước những ca phản ứng, chúng tôi luôn phải tìm hiểu thật kỹ, nếu nguyên nhân do vắc xin thì phải nói là do vắc xin, còn nếu do những nguyên nhân khác, trùng hợp ngẫu nhiên… thì phải nói cho rõ ràng để người dân không hoang mang”, TS Phu nhấn mạnh.

“Đã có hơn 600 triệu liều đã dùng tại 39 quốc gia và được báo cáo an toàn, chỉ ghi nhận những trường hợp phản ứng nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm, phản ứng dị ứng quá mẫn với vắc xin có tỉ lệ rất thấp (khoảng 1/triệu). Vì thế, vắc xin là an toàn. Thực tế, tại Việt Nam hơn 9 triệu trẻ em đã được chủng ngừa đều an toàn và Bộ Y tế vẫn dang giám sát, triển khai tập huấn, đẩy mạnh an toàn tiêm chủng”, ông Phu dẫn chứng.

100% ca mắc sởi đều biểu bệnh

Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, thời gian vừa qua dịch sởi chưa loại trừ được, vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh ở Nghệ An, Hòa Bình, Hà Nội... “Rất may mắn, đây chỉ là những ca bệnh rải rác ở vùng lõm tiêm, không xảy ra tập trung nếu không nguy cơ bùng phát dịch rất lớn, bởi sởi rất dễ lây lan”, TS Dương nói.

Lý giải về “vùng lõm” trong tiêm chủng, TS Dương cho biết, trung bình tỉ lệ tiêm chủng sởi, như tại Hà Nội đạt 95%. Trong số 5% còn lại, tích lũy lại qua các năm, nếu sởi xảy ra thì các đối tượng này đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Vì thế, để phòng hiệu quả dịch sởi, ngoài triển khai tốt chiến dịch này, việc duy trì hoạt động tiêm chủng cho các nhóm đối tượng mới đến tuổi tiêm là vô cùng quan trọng để phòng bệnh.

Thực tế, tỷ lệ tấn công lâm sàng của sởi gần 100%, có nghĩa hầu như ai nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh và có sự lây lan mạnh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm hiện nay. Vì thế, nếu không có miễn dịch chủ động, nhiễm vi rút sởi là chắc chắn bị bệnh.

Vì thế, để bảo vệ trẻ trước bệnh truyền nhiễm sởi nguy hiểm làm hàng nghìn trẻ mắc trầm trọng như dịch bệnh đầu năm 2014,  tất cả những trẻ là đối tượng của chiến dịch cần tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh đó, rất quan trọng đó là với những trẻ đến tuổi tiêm chủng (9 tháng) cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Tiêm mũi 1 sởi có tác dụng phòng bệnh từ 80 - 85%. Khi tiêm nhắc lại mũi hai, khả năng bảo vệ tăng lên trên 95%.
 

Theo Dân trí

.