Thai phụ nào cần phải xét nghiệm vi rút Zika?
Cập nhật lúc 23:08, Thứ tư, 06/04/2016 (GMT+7)
Chỉ những thai phụ có các yếu tố nghi ngờ về nguy cơ nhiễm vi rút Zika mới nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra. Trường hợp phát hiện bệnh, bác sĩ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, tư vấn để họ tự quyết định chấm dứt thai kỳ hoặc giữ lại. (Thai phụ , vi rút, xét nghiệm , Zika)
Chỉ những thai phụ có các yếu tố nghi ngờ về nguy cơ nhiễm vi rút Zika mới nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra. Trường hợp phát hiện bệnh, bác sĩ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, tư vấn để họ tự quyết định chấm dứt thai kỳ hoặc giữ lại.
Tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế và UBND TPHCM bàn về công tác phòng chống Zika sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện phụ sản Hùng Vương và đại diện bệnh viện Từ Dũ đã bày tỏ mối lo ngại trước “làn sóng” thai phụ có thể sẽ tràn vào các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm để yêu cầu thực hiện xét nghiệm truy tìm vi rút Zika. Lo ngại trên của các chuyên gia nếu trở thành hiện thực sẽ tạo áp lực quá tải rất lớn đối với hệ thống bệnh viện phụ sản trên cả nước và nguy cơ “vỡ trận” tại các trung tâm xét nghiệm.
Trước tình hình trên, chiều cùng ngày Bộ Y tế đã ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút Zika. Theo đó:
- Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi vằn asdes, có thể gây thành dịch.
- Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tình dục, đường máu, lây từ mẹ sang con.
- Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày, người bị bệnh thường có các biểu hiện như sốt nhẹ, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp. Tuy nhiên, khoảng 80% trường hợp nhiễm Zika không có biểu hiện lâm sàng.
Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế nhấn mạnh đến các yếu tố nghi ngờ ở người bệnh như: sinh sống và du lịch tới vùng đã lưu hành dịch trong vòng hai tuần trước khi khởi bệnh; có ít nhất một trong hai biểu hiện lâm sàng (đã nêu ở trên - PV) hoặc hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh; không xác định được căn nguyên gây bệnh khác như sốt xuất huyết, chikungunya… Việc chẩn đoán xác định sẽ được thực hiện thông qua các xét nghiệm có kết quả dương tính.
Bộ Y tế khuyến cáo, một phụ nữ mang thai khi tính đến phương án xét nghiệm Zika thì chỉ nên thực hiện nếu đang mang thai trong ba tháng đầu có dấu hiệu: sốt phát ban hoặc các triệu chứng đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc; đang sinh sống hoặc đã đến những vùng có dịch; đã quan hệ với chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm dương tính với Zika.
Bộ Y tế khuyến cáo những phụ nữ có thai cần đi khám ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ, trong đó thời điểm khám lần đầu cần được thực hiện càng sớm càng tốt ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Bộ yêu cầu các bác sĩ trong bối cảnh dịch bệnh Zika khi thực hiện khám cho thai phụ cần hỏi rõ tiền sử, các dấu hiệu, triệu chứng lầm sàng. Siêu âm để đánh giá chính xác tuổi thai và hình thái học của thai nhi để phát hiện đầu nhỏ.
Với những phụ nữ mang thai đã xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút Zika nhưng khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ và bất thường về não các bệnh viện cần tiếp tục chăm sóc, theo dõi trước khi siêu âm lại để đưa ra hướng xử trí phù hợp. Khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ thai nhi bị đầu nhỏ và bất thường về não, cần chuyển thai phụ đến những cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ, sàng lọc bệnh bẩm sinh.
Khi đã xác định thai nhi bị tật đầu nhỏ, cơ sở y tế phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tư vấn cho thai phụ và gia đình để họ tự đưa ra quyết định. Trường hợp thân nhân quyết định giữ lại thai, bệnh viện phải tiếp tục chăm sóc thai nghén, tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước sinh cho thai phụ cùng gia đình để họ chuẩn bị chăm sóc bé sơ sinh.
Theo Dân trí
.