(BVPL) - Sau hơn 20 năm thực thi chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là từ khi Luật BHYT được Quốc hội thông qua (14/11/2008), BHYT đã từng bước phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng, số người tham gia BHYT ngày càng tăng, mức độ tiếp cận dịch vụ y tế của người dân tham gia BHYT được cải thiện rõ rệt và BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho công tác khám chữa bệnh (KCB), góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

 


Tại tỉnh Bình Thuận, đến nay có 836.968 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 69,32% dân số, vượt 0,82% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho Bình Thuận năm 2016 (68,5%). Tuy nhiên, số người tham gia BHYT chủ yếu tập trung vào đối tượng người lao động trong cơ quan Nhà nước; đối tượng được quỹ BHXH và ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng. Trong khi đó đối tượng người lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đối tượng được ngân sách hỗ trợ một phần và đối tượng hộ gia đình chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên nhân là do trong thời gian qua việc thực hiện chính sách BHYT tại một số địa phương còn thiếu chỉ đạo cụ thể và mạnh mẽ của cấp ủy chính quyền, và các đoàn thể xã hội; chưa xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến sự hạn chế khi mở rộng đối tượng tham gia BHYT; chế tài xử lý trốn đóng, nợ đóng BHYT chưa đạt hiệu quả như mong muốn; nhận thức của các đối tượng về lợi ích của chính sách BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng KCB, ở một số cơ sở y tế chưa được bảo đảm, cơ chế thanh toán chi phí và cách thức tổ chức KCB BHYT còn phức tạp cũng làm giảm đi tính hấp dẫn của BHYT.

Với đối tượng không có BHYT, mọi chi phí KCB đều do người bệnh tự chi trả, ví dụ: Nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 684.000 đồng và sắp tới tăng lên 793.000 đồng; phẫu thuật cắt thực quản từ  4.056.600 đồng tăng lên 5.633.000 đồng và tiếp đó là 6.907.000 đồng.... Khi tham gia BHYT, người bệnh được chia sẻ rủi ro từ quỹ BHYT, vì vậy, tham gia BHYT có lợi ích rất lớn trong việc điều trị, đặc biệt là khi mắc các bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT hiện nay đã được mở rộng, bao gồm: Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phí vận chuyển đối với một số nhóm đối tượng; chi trả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông, tự tử, tự gây thương tích và điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tăng độ bao phủ BHYT, cần phải điều chỉnh về cơ chế, chính sách phù hợp; đồng thời triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ. Về cơ chế, chính sách, nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách Nhà nước và chuyển từ cấp kinh phí cho các cơ sở KCB sang hỗ trợ trực tiếp người tham gia BHYT; có chính sách hỗ trợ tuyến y tế cơ sở để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với người dân; điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí KCB để người dân thấy được lợi ích khi tham gia BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BHYT; có chế tài đủ mạnh đối với hành vi nợ đóng, trốn đóng BHYT. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thanh toán chi phí KCB BHYT tạo thuận lợi nhất cho người dân. Đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, lấy tiêu chí phát triển đối tượng tham gia BHYT để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cấp ủy, chính quyền các địa phương. Về lâu dài, khi đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, quỹ BHYT phát triển bền vững thì người dân còn được hưởng lợi nhiều hơn: Phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng chi trả BHYT được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, giảm tỷ lệ đồng chi trả khám chữa bệnh của người có BHYT; góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng.
 

Ngọc Anh

.