Tại sao có gia đình cả nhà đều bị ung thư gan
Cập nhật lúc 10:15, Thứ sáu, 08/07/2016 (GMT+7)
Thường xuyên sốt cao, thầy giáo Tâm đến bệnh viện khám phát hiện khối ung thư gan kích thước 4,5 cm. Mẹ và em trai của thầy đã mất do bệnh này, người anh cũng đang điều trị viêm gan. (gia đình , ung thư gan)
Thường xuyên sốt cao, thầy giáo Tâm đến bệnh viện khám phát hiện khối ung thư gan kích thước 4,5 cm. Mẹ và em trai của thầy đã mất do bệnh này, người anh cũng đang điều trị viêm gan.
Thầy Tâm, 43 tuổi, giáo viên tại tỉnh Đồng Nai cho rằng mình bị lây viêm gan siêu vi B từ mẹ. Gia đình có 3 con trai, trong đó người em út 37 tuổi đã qua đời vì ung thư gan cách đây 3 năm, còn anh cả đang chiến đấu với bệnh viêm gan siêu vi B. Thầy Tâm phát hiện bị viêm gan B cách đây 10 năm, đến nay bệnh đã chuyển thành ác tính. "Gần đây tôi hay bị sốt cao nên đến bệnh viện khám. Với bệnh sử gia đình, bác sĩ chỉ định siêu âm và làm thêm các xét nghiệm thì phát hiện tôi bị khối ung thư gan kích thước 4,5 cm", thầy giáo kể.
Trực tiếp điều trị ca này là thạc sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Khối u gan của bệnh nhân lớn, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt một phần gan với tiên lượng khả quan. Bác sĩ Long cho rằng đây là gia đình có nhiều bệnh nhân cùng bị ung thư gan khá phổ biến ở Việt Nam. Bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị 5 người trong cùng một nhà bị bệnh ung thư gan, hầu hết con cái đều lần lượt qua đời ở tuổi 30-40.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam ung thư gan đứng đầu nhóm ung thư gây tử vong nhiều nhất. Hầu hết nguyên nhân dẫn dến bệnh là viêm gan. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu Hóa nhận định lỗ hổng lớn nhất dẫn đến tình trạng ung thư gan ở Việt Nam gia tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao là do chủng ngừa viêm gan B chưa đầy đủ, người dân chưa có ý thức tầm soát ung thư gan định kỳ. Bệnh viện Đại học Y Dược mỗi năm tiếp nhận và điều trị khoảng 1.000 trường hợp ung thư gan, 80% có nguyên nhân liên quan đến virus viêm gan siêu vi B, còn lại là viêm gan C, xơ gan do rượu, nấm mốc và các bệnh lý khác.
Ung thư gan rất khó nhận biết ở giai đoạn sớm. Khi bệnh nhân cảm thấy đau tức hoặc vàng da thì u đã lớn và tình trạng xơ nặng. Vì vậy, biện pháp tầm soát hiệu quả nhất là dựa vào siêu âm, CT Scan hoặc chụp MRI. Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm với kích thước khối u nhỏ có thể điều trị triệt để bằng các phương pháp ít xâm lấn mang lại hiệu quả cao, có thể xuất viện ngay trong ngày mà chi phí thấp, ít biến chứng. Thực tế ung thư gan nếu được phát hiện và điều trị sớm, tiên lượng sống từ 5 năm trở lên đạt trên 70%.
Theo bác sĩ Duy Long, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan trong đó ghép gan, phẫu thuật và đốt u mang lại hiệu quả triệt để. Để được ghép gan, bệnh nhân cần có nguồn gan hiến tặng từ người thân hoặc người cho chết não, song chỉ phù hợp với trường hợp khối u, xơ gan nặng nhưng không quá trễ. Phẫu thuật cắt khối u dành cho những trường hợp gan không quá xơ, bệnh nhân đủ sức khỏe để trải qua cuộc phẫu thuật. Với phương pháp đốt, bác sĩ chỉ cần luồn một cây kim xuyên qua da vào gan rồi xuyên tâm bướu, điều khiển thiết bị phát nhiệt đốt cháy khối u. Phương pháp này chỉ phù hợp với khối u nhỏ dưới 3 cm, nếu chỉ định đúng, bệnh nhân chỉ cần đốt một lần là khỏi.
Ngoài ra còn có phương pháp nút hóa chất động mạch TACE (transarterial chemoembolization). Đây là một trong các biện pháp điều trị ung thư gan qua đường động mạch TAE (transarterial embolization) với nguyên lý cơ bản là chấm dứt nguồn cấp máu từ động mạch tới khối u đồng thời đưa hóa chất diệt ung thư vào khối u. Tuy nhiên cách này chỉ giúp bệnh nhân kéo dài sự sống chứ không thể trị khỏi hoàn toàn. Tùy giai đoạn bệnh, nhìn chung phương pháp này cho tỷ lệ sống sau 2 năm chỉ khoảng 50%.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Theo vnexpress
.