Theo đó, bệnh nhân H.H.Q (SN 1998), trú quận Long Biên, TP Hà Nội nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, thể trạng gầy suy kiệt, không ăn uống được, nôn liên tục.
Các chỉ số xét nghiệm khi vào viện là: Cretinin là 2018 gấp 20 lần giá trị cao nhất, chỉ số ure là 86,2 gấp 12 lần giá trị cao nhất của người bình thường.
Bệnh nhân Q. được chẩn đoán tăng ure máu, suy thận mạn giai đoạn 5 có chỉ định điều trị bằng phương pháp lọc máu cấp cứu. Sau đợt điều trị tích cực các chức năng thận của bệnh nhân đã dần về trạng thái ổn định.
Sau khi ra viện, bệnh nhân được xếp lịch lọc máu chu kỳ để duy trì sự sống sau gần 10 ngày điều trị tích cực.
|
|
Bác sĩ tiến hành thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BV Đức Giang). |
Gia đình bệnh nhân cho biết, năm 2019 bệnh nhân Q. được phát hiện suy thận độ 2, bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc tại nhà và tái khám theo lịch để bảo tồn chức năng thận, ngăn bệnh tiến triển. Tuy nhiên nửa năm gần đây, do được người nhà mách cho 1 số thầy lang chữa bệnh bằng thuốc nam, bệnh nhân bỏ thuốc tây, không tái khám định kỳ nữa.
Theo TS.Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Khoa Nội thận, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, một năm trở lại đây, đơn vị đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp suy thận mức độ nặng, tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn có liên quan tới việc uống thuốc nam.
Các triệu chứng của suy giảm chức năng ở thận khi ở các giai đoạn sớm thường không có triệu chứng đặc hiệu nên người bệnh dễ bỏ qua. Do đó, rất nhiều trường hợp người mắc bệnh suy thận không được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ nên dẫn đến việc điều trị ở giai đoạn muộn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng thuốc nam. Đặc biệt trên người bệnh thận mạn, chức năng thận vốn đã kém nên việc dùng các hoạt chất từ thuốc nam, ngay cả ăn uống thường ngày đều cần phải cẩn trọng để tránh tiến triển suy thận nặng hơn.