Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có dấu hiệu giảm.

 


Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong 8 tháng vừa qua, các ngành chức năng vẫn phát hiện 4 mẫu thịt gà có nhiễm chất Campylobacter spp; 2 mẫu nhiễm chất Chloramphenicol; 4 mẫu nhiễm Furazolidon; 4 mẫu nhiễm chất Tetracycline vượt giới hạn cho phép. Trong khi đó, thị trường thức ăn chăn nuôi (TĂCN) quá đa dạng nên không hiếm hàng giá rẻ, kém chất lượng trà trộn và được người chăn nuôi sử dụng. Theo Phòng TĂCN (Cục Chăn nuôi), từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các lô hàng nhập khẩu TĂCN và đã phát hiện một số mẫu không đạt chất lượng. Đơn vị đã tiêu hủy một lô ngô với trọng lượng 200 - 300 tấn và tái xuất trở lại 300 tấn thức ăn bổ sung canxiphotphat. Ngoài ra, Cục cũng đã phát hiện một số lô hàng, chủ yếu là chất vitamin hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt 30%. Tất cả các sản phẩm TĂCN có hàm lượng dinh dưỡng dưới 70% đều là hàng giả, không bảo đảm chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, từ khi Bộ NN&PTNT có Thông tư số 57/2012/TT/BNNT về quy định xử lý chất cấm trong chăn nuôi thì tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đã có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa cao, vì lợi nhuận vẫn dùng mọi thủ đoạn lén lút đưa chất cấm vào thức ăn cho động vật lớn nhanh, hòng thu lợi bất chính. Hiện nay, mặc dù việc sử dụng chất tạo nạc, hoóc môn sinh trưởng và một số kháng sinh có trong TĂCN không phổ biến như các năm trước nhưng do chưa bảo đảm trong khâu giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ tại chợ nên các loại thịt thành phẩm đưa ra thị trường vẫn tồn dư nhiều hóa chất đáng lo ngại.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho biết, việc kiểm soát chất lượng thịt có dư chất kháng sinh, chất độc hại hiện nay rất khó vì trên thực tế nền chăn nuôi của Việt Nam vẫn phát triển nhỏ lẻ, manh mún, kể cả khâu giết mổ. Do đó, các ngành chức năng dù có kiểm soát gắt gao cũng chỉ giải quyết được phần ngọn mà chưa giải quyết triệt để tận gốc. Hơn nữa, Việt Nam gần như chưa sản xuất được các loại chất phụ gia bổ sung trong TĂCN nên phải nhập khẩu không chỉ bằng con đường chính ngạch mà còn theo đường tiểu ngạch khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát. Vì vậy, để từng bước hạn chế việc sử dụng hóa chất trong chăn nuôi, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về tác hại của hóa chất khi sử dụng trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, để từng bước hạn chế được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương trong việc thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Không chỉ lấy mẫu thịt khi bán ra thị trường mà còn phải lấy mẫu xét nghiệm các loại thức ăn, chất bổ sung cho động vật để nắm rõ được quy trình chăn nuôi. Các địa phương cần khuyến khích người dân áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, như vậy không những kiểm soát được dịch bệnh mà còn truy xuất được nguồn gốc sản phẩm có bảo đảm chất lượng hay không.
 

Theo Hà Nội Mới

.