Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, rau tự trồng cũng vẫn có nguy cơ nhiễm kim loại nặng, nếu sử dụng nguồn nước và cách canh tác không đảm bảo.
Rau dễ nhiễm những kim loại nặng nào?
“Một số kim loại chỉ cần hàm lượng rất nhỏ cũng đủ để gây nguy hiểm qua con đường tích lũy sinh học. Có 4 kim loại nặng rau dễ bị nhiễm nhất là: Chì, Asennic (As), Cadmium (Cd), thủy ngân, ngoài ra còn có đồng, thiếc như không đáng kể”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết, có 4 kim loại nặng rau dễ bị nhiễm nhất là: Chì, Asennic (As), Cadmium (Cd), thủy ngân ngoài ra còn có đồng, thiết như không đáng kể.
Các loại rau sinh sống ở những vùng ẩm ướt như rau muống, rau rút, rau cần… có khả năng nhiễm kim loại chì và thủy ngân cao. Khi ăn các loại rau này có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Nhiễm độc chì thường ảnh hưởng tới trí não, thiếu máu, ảnh hưởng tới gan và thận… Ăn phải rau nhiễm thủy ngân có thể gây ra hàng loạt triệu chứng như rối loạn tâm lý, nhức đầu, chảy máu nướu răng, đau ngực, đau bụng, mệt mỏi kinh niên, dị ứng, nổi mẩn… gây tổn thương trung tâm thần kinh với triệu chứng run rẩy, khó khăn trong diễn đạt, giảm sút trí nhớ, tê liệt...
Rau diếp, cần tây, cải bắp có xu hướng tích lũy Cd khá cao trong lá. Cd trong môi trường thường không gây nguy hại cho sức khỏe ngay mà nguy hiểm là sự tích tụ mãn tính của nó ở trong thận. Khi xâm nhập vào cơ thể, Cd sẽ phá huỷ thận. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy Cd gây chứng bệnh loãng xương, nứt xương. Ngoài ra, tỷ lệ ung thư tiền liệt tuyến và ung thư phổi cũng khá lớn ở nhóm người thường xuyên tiếp xúc với chất độc này.
Kim loại nặng Asennic thường tích lũy nhiều nhất trong các loại rau họ cải. Nhiễm độc As trong thời gian dài làm tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang, thận, gan và phổi. As còn gây ra những chứng bệnh tim mạch như cao huyết áp, tăng nhịp tim và các vấn đề thần kinh.
Theo khuyến cáo của PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh: “Để phân biệt kim loại nặng có trong rau là rất khó vì nó không có mùi vị lạ hay phản ứng hóa học gì trong quá trình nấu để nhận biết ra. Những loại rau bị nhiễm kim loại nặng không thể nào xử lý hết chất độc trên rau cho dù đã được rửa sạch bằng nước rửa rau, kể cả nấu chín cũng không có tác dụng”.
Để giảm tình trạng rau nhiễm kim loại nặng, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng nhà nước cần phải có chính sách quản lý hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng rau an toàn. Ở những vùng sông ngòi, kênh rạch bị ô nhiễm có thể thả bèo tây để bèo hấp thụ những các kim loại nặng trong nước. Sau đó bèo này phải chôn xuống đất để tiêu hủy.
Theo VietQ