Làm việc trong mội trường tiếp xúc thường xuyên và kéo dài với máy tính, không có thời gian nghỉ ngơi, kế hoạch điều tiết cho mắt phù hợp...là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngày càng nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng mắc các bệnh rối loạn về thị giác, còn được gọi là hội chứng thị giác do sử dụng máy tính.

 

đ
Dân văn phòng là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh rối loạn về thị giác do sử dụng máy tính. Nguồn: Internet

 

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng thị giác do sử dụng máy tính

 

Giảm lượng nước mắt đến giác mạc do giảm số lần chớp mắt hoặc bị khô mắt.

Mắt có tật khúc xạ: Viễn thị, loạn thị, lão thị hay các rối loạn về điều tiết.

Chiếu sáng kém hoặc quá nhiều kèm với các tia phản xạ từ màn hình.

Khoảng cách nhìn không đúng.

Phối hợp các yếu tố trên.

Ngồi sai tư thế.

 

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng này

 

Mỏi mắt, đau đầu, nhìn mờ, cảm giác khô rát mắt, chói sáng, mỏi vai và cổ. Ngoài ra, mức độ của các triệu chứng này tăng lên theo tần suất và thời gian sử dụng máy tính.

 

Chăm sóc mắt và sử dụng máy tính đúng cách giúp làm giảm các triệu chứng

 

Hãy đeo mắt kính khi sử dụng máy tính: Nếu có tật khúc xạ, việc đầu tiên là nên đeo kính khi sử dụng máy vi tính vì các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hay cận thị nếu không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đúng sẽ dẫn đến nhức mỏi mắt. Nếu ở tuổi lão thị (trên 40 tuổi), càng cần phải dùng kính khi làm việc với máy tính. Nên dùng loại tròng có chống tia phản xạ (tròng chống lóe) vì sẽ làm giảm bớt lượng ánh sáng phản xạ từ 2 bề mặt kính đeo gây mệt mỏi thị giác.

 

Các bài tập khác: Nhìn một vật ở xa 10-15 giây sau đó nhìn một vật ở gần 10-15 giây, lập lại 10 lần. Việc này giúp tránh được tình trạng mắt điều tiết quá nhiều do nhìn vào màn hình máy tính kéo dài.

 

Vị trí của màn hình: Màn hình nên được đặt cách mắt 50 đến 60 cm và tâm của màn hình nên đặt thấp hơn tầm mắt từ 10 đến 20 cm vì mắt của chúng ta chỉ làm việc thoải mái khi chúng ta liếc nhẹ xuống khi đọc sách cũng như khi làm việc gần. Trong trường hợp bạn phải đánh máy văn bản, nên để văn bản nằm khoảng giữa bàn phím và màn hình hoặc sử dụng kẹp giấy để kẹp văn bản đứng lên và sát vào màn hình.

 

Chiếu sáng thích hợp: Hãy lưu ý để điều chỉnh lượng ánh sáng trong phòng không quá sáng hoặc quá tối. Điều chỉnh để ánh sáng mặt trời và đèn trong phòng không phản xạ lên màn hình chiếu vào mắt. Có thể đặt thêm kính lọc cho màn hình để lọc bớt ánh sáng chói từ màn hình.

 

Điều chỉnh ghế ngồi: Khi ngồi nên chỉnh ghế sao cho 2 cẳng tay song song với nền nhà, 2 đùi vuông góc với cẳng chân và 2 bàn chân được đặt phẳng trên nền nhà. Nên nhớ luôn giữ thẳng lưng và hai vai giữ ngang bằng.

 

Nghỉ ngơi ngắt quãng: Để làm giảm tình trạng mỏi mắt, mỏi cổ, đau lưng, mỏi vai, cần nghỉ ngơi ngắt quãng thường xuyên. Nên nghỉ khoảng 15-20 phút sau khoảng 2 giờ làm việc với máy tính.

 

Thường xuyện tập thị giác: Để giảm bớt mệt mỏi mắt, mỗi 20 phút ta nên nhìn ra xa.

 

Điều trị khô mắt: Khi sử dụng máy tính ta thường chớp mắt ít hơn thường lệ (chỉ bằng 2/3 số lần so với bình thường) làm cho mắt bị khô. Vì vậy, ta hãy chú tâm hơn đến việc chớp mắt. Nếu mắt quá khô có thể sử dụng nuớc mắt nhân tạo.

 

Hãy đi khám mắt đều đặn và luyện tập những thói quen tốt có thể giúp phòng tránh được những ảnh hưởng hội chứng thị giác do sử dụng máy tính gây ra.

 

Thùy Hương (t/h)